Đề xuất thu xe của người say rượu: Sinh kế của dân có được quan tâm?
VOV.VN -Nhiều người cho rằng, sinh kế của người dân phải luôn luôn được tính đến trong bất kỳ một sự can thiệp nào
Trong một cuộc hội thảo bàn về tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành khác tiếp nhận, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện trên để trình Thủ tướng xem xét quyết định trước 31/3/2015. Hiện, đề xuất này đã được Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận.
Ông Khuất Việt Hùng cũng một lần nữa cho biết lý do vì sao UB ATGTQG đề xuất chế tài tăng nặng hình thức xử phạt, trong đó có hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia điều khiển cơ giới đường bộ.
Hình phạt chính vẫn là phạt tiền
Ông Hùng dẫn một căn cứ có tính chất trực quan: 2 vụ tai nạn giao thông giữa ô tô- xe máy nghiêm trọng nhất dịp Tết: Hưng Yên (5 người chết) và Cao Bằng (3 người chết) đều liên quan đến nồng độ cồn. Mùng 4 tết, trong 60 nạn nhân cấp cứu tai nạn giao thông có 42 người liên quan vi phạm nồng độ cồn…. Mới đây, Ủy ban ATGTQG triển khai đợt cao điểm kiểm tra trong tháng 2, tháng có Tết. Chưa bao giờ, trong 1 tháng có tới 17.500 người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. 2 tháng đầu năm 2015, cả nước có 4100 vụ tai nạn giao thông, giảm 14,7% về số vụ, giảm 251 người chết, giảm 917 người bị thương.
“Chính vì tình trạng nghiêm trọng như thế nên chúng tôi mới đề xuất chế tài nặng như vậy. Chúng tôi đề xuất chế tài để hướng tới mục tiêu: Bảo vệ tính mạng, đời sống, tính mạng, tài sản, cơ hội được chăm sóc gia đình mình... cho người tham gia giao thông. Chúng tôi muốn xây dựng một thông điệp đủ sức tạo nên lời cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện trước khi tham gia giao thông: Đã uống rượu bia thì không lái xe”- Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng
Ông Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật thì cho rằng, đề xuất của UBATGTQG gây tranh cãi vì nó liên quan đến tài sản của cá nhân. Nếu như tịch thu phương tiện, thì liệu người vi phạm có không lặp lại vi phạm không, khi mà người ta có thể mua lại phương tiện để sử dụng. Vì thế, hình thức tịch thu phương tiện chỉ nên là hình thức bổ sung.
“Tôi đã tham khảo rất nhiều nước và họ cũng chỉ áp dụng tịch thu phương tiện là hình thức bổ sung. Vấn đề là chúng ta phải có hệ thống theo dõi để phát hiện việc tái phạm của người tham gia giao thông. Mạnh tay nhất là khi người ta vi phạm đến lần thứ 2 mới tịch thu phương tiện. Phải sử dụng biện pháp phạt tiền và áp dụng hàng loạt các biện pháp hạn chế khác, kể cả lao động công ích… sau đó mới áp dụng biện pháp tịch thu”- Ông Dương nói.
Ông Dương nhấn mạnh, “Hình phạt chính vẫn là phạt tiền và các hạn chế khác như treo bằng lái, buộc thi lại bằng lái… Khi thuế, phí bảo hiểm, phí môi trường cao, nên nâng những loại tiền đó lên”.
Sinh kế phải luôn luôn được tính đến
Theo ông Ngô Dương, việc tịch thu xe là một vấn đề rất khó, có nhiều hệ quả kèm theo, như việc bảo quản xe vi phạm, vấn đề về xử lý vi phạm, công bằng xã hội… cần phải giải quyết. “Một lựa chọn chính sách không có đúng - sai mà phải là lựa chọn tốt nhất trong các giải pháp. Ví dụ như đề xuất này, nếu là lựa chọn tốt nhất để giảm tai nạn giao thông thì nên làm. Khi đưa ra sáng kiến, chúng ta phải tính được số người tham gia giao thông hiện nay là bao nhiêu, tiền chi ngân sách cho việc thực hiện sáng kiến này và những phương tiện cần thiết kèm theo… Rồi việc này ảnh hưởng đến sinh kế của người dân như thế nào. Sinh kế phải luôn luôn được tính đến trong bất kỳ một sự can thiệp nào của Nhà nước và xã hội”.
Theo Luật sư Hoàng Chung, khi đưa ra đề xuất, cơ quan ban hành ra quy định cần nói rõ cho người dân mức như thế nào là vi phạm, như thế mới nâng cao ý thức thực hiện pháp luật cho người dân.
“50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở… đọc nhưng số liệu như thế, ngay chính bản thân tôi, khi sử dụng rượu bia, tôi cũng không biết có bao nhiêu miligam nồng độ cồn trong 100 mililit máu, chỉ khi bị CSGT bắt và thổi thì mới biết. Lúc biết thì đã bị phạt rồi. Phải có giải thích rõ cho người dân hiểu đối với một người bình thường, uống bao nhiêu cốc rượu 40 độ, hay uống bao nhiêu cốc bia 5 độ thì chạm đến người vi phạm chẳng hạn… Điều này cũng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, họ sẽ biết “ngưỡng” khi sử dụng rượu bia”- Luật sư Chung đề xuất.
Luật sư Hoàng Chung cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện nay, nếu đưa ra đề xuất này chưa thực sự hợp lý vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề khác, phát sinh rất nhiều tranh chấp. Phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ thì mới hy vọng việc thực thi có hiệu quả, mới công bằng với tất cả mọi người, với tất cả đối tượng. “Ví dụ, một hành vi vi phạm về nồng độ cồn, như xử phạt trước đây họ vẫn để việc xử phạt cho CSGT do nồng độ cồn trong máu, trong khí thở. Nhưng bây giờ đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng, người vi phạm sẽ có hành vi chống đối, chẳng hạn không thổi vào máy thở. Với hành vi không thổi vào máy thở thì cùng lắm là bị xử phạt hành chính, chưa đến mức chống người thi hành công vụ. Người ta thà làm như thế còn hơn mất cái xe tiền tỷ”.
Theo Luật sư Hoàng Chung, đề xuất này cũng liên quan đến vấn đề sở hữu xe. Tịch thu phương tiện, nhưng nếu phương tiện đó không thuộc sở hữu của người vi phạm thì lúc đó phương tiện phải trả lại cho chủ sở hữu. Còn người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương với phương tiện họ sử dụng khi vi phạm, từ đó sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề: định giá xe, tính hiệu lực của cơ quan Nhà nước như thế nào khi người vi phạm không có tiền… “Tôi đề xuất nâng mức xử phạt của hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, còn nên bỏ đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông”./.