Định kiến tồn tại lâu năm là thách thức lớn thực hiện bình đẳng giới
VOV.VN -Những cơ chế, chính sách và định kiến trong xã hội vẫn còn tồn tại lâu năm và cho đến nay là những rào cản để thực hiện bình đẳng giới.
Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu đã có những ý kiến về việc cần xóa bỏ định kiến tồn tại lâu năm về bình đẳng giới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội đã cuộc trao đổi với báo chí về sự hợp tác của Việt Nam và Australia về bình đẳng giới cũng như cần xóa bỏ định kiến của xã hội về vấn đề này.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại”. |
PV: Thưa bà, vấn đề bình đẳng giới được nhiều đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại”. Bà có thể nói rõ hơn về sự hợp tác của bạn bè quốc tế với Việt Nam về vấn đề này?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Việt Nam rất coi trọng sự ủng hộ tích cực của Australia trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong ngành Ngoại giao. Cho đến nay, lần đầu tiên tại Việt Nam có nhóm gồm 41 đại sứ và trưởng cơ quan đại diện quốc tế tại Việt Nam ủng hộ và tư vấn cho Việt Nam về chính sách bình đẳng giới.
Nhiệm vụ của bạn bè quốc tế là tư vấn về vấn đề phát triển và bình đẳng giới cho phụ nữ ở nông thôn, trong các cơ quan Nhà nước, bình đẳng về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ...
Bình đẳng giới cũng là sự quan tâm chung, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Australia tốt hơn.
PV: Theo bà, thách thức lớn để thực hiện bình đẳng giới nói chung hiện nay và đối với ngành Ngoại giao nói riêng là gì. Phía Australia đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới với Việt Nam như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Qua diễn đàn, bạn bè quốc tế và các nhà ngoại giao rất quan tâm là trong thời đại công nghệ số hiện nay đặt ra những thách thức trong giải quyết bình đẳng giới nói chung và các cán bộ ngành Ngoại giao nói riêng. Đó là những cơ chế, chính sách và định kiến trong xã hội vẫn còn tồn tại lâu năm và cho đến nay vẫn là những rào cản để thực hiện bình đẳng giới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội. |
Hiện nay, trong xã hội vẫn còn những định kiến về quan điểm những công việc lớn chỉ dành cho nam giới, còn phụ nữ là chỉ chăm sóc gia đình, con cái. Những thách thức đối với phụ nữ trong ngành Ngoại giao khi phải đi công tác ở nước ngoài với việc đảm bảo giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Còn trong thời đại công nghệ số khi có nhiều thông tin giả tạo, không tích cực, trái chiều tác động rất lớn đến trẻ nhỏ thì những cán bộ ngoại giao nữ sẽ đối diện với những khó khăn và phải biết cách để nuôi dạy con và đảm bảo công tác tốt; cân bằng giữa công việc xã hội với hạnh phúc gia đình.
Qua Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại”, các bạn Australia đã đề cập 5 yếu tố để thực hiện được tốt bình đẳng giới trong ngành Ngoại giao.
Thứ nhất là vai trò quan trọng trong sự chia sẻ của lãnh đạo cao nhất trong ngành Ngoại giao đối với cán bộ nữ. Thứ hai, trong thời đại công nghệ số, chúng ta phải có chiến lược về bình đẳng giới của ngành Ngoại giao.
Thứ ba, Việt Nam phải có sự thay đổi về những định kiến về bình đẳng giới và phải có những quy định rõ ràng.
Thứ tư là sự tham gia của nam giới trong hợp tác, chia sẻ công việc, khó khăn với phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ phải không ngừng học hỏi những tiến bộ của công nghệ số để có thể trưởng thành và phát triển hơn.
PV: Thưa bà, số lượng phụ nữ trong ngành Ngoại giao từ con số 27% nay đã tăng lên là 43,92%. Mong muốn của bà đối với vai trò của phụ nữ trong thời gian tới như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Những năm 1980, phụ nữ làm việc trong ngành Ngoại giao có tỷ lệ rất thấp (chỉ hơn 15%). Đến nay, cùng với quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tỷ lệ nữ tham gia làm công tác cán bộ, lãnh đạo tăng lên đáng kể. Đặc biệt, trong ngành Ngoại giao, phụ nữ được công nhận về tài năng và thế hệ trẻ rất tự tin khi làm việc trong ngành đã tăng lên.
Tôi mong rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay, cán bộ nữ ngoại giao nữ phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tình yêu nghề để vừa có thể cống hiến trí tuệ, công sức cho đất nước, vừa chăm lo tốt cho gia đình và bản thân.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Việt Nam và Australia thúc đẩy vai trò của nữ cán bộ đối ngoại