Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa khai thác đã xuống cấp?
VOV.VN -Đang chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại, nhưng một số hạng mục của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã có dấu hiệu bị xuống cấp.
Theo Ban QLDA đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) sẽ được vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Tuy nhiên, hiện nay, một số hạng mục của dự án chưa được hoàn thành và có dấu hiệu bị xuống cấp.
Một số trụ cột thang cuốn của nhà ga bị bong bật vữa bê tông, lộ lõi thép chân cột. |
Cụ thể, tại nhà ga Phùng Khoang, bằng mắt thường cũng dễ dàng quan sát thấy một số mối nối khung cột của hạng mục thang cuốn bị hoen gỉ, bong bật xi măng tại phần chân đế cột trụ chống mái hành lang đi bộ, làm trơ phần ốc bu lông bắt vào cột trụ sắt.
Một số nhà ga chỉ có vài công nhân đang thi công lắp đặt mái che cầu thang lên xuống. Thậm chí có nhà ga chưa hòa thành việc lắp đặt mái che cầu thang nhưng không thấy bóng dáng công nhân.
Trả lời về thực tế này, theo đại diện nhà thầu, thông tin về hạng mục chân cột bị bong bật tường và xuống cấp thực chất là nhà thầu đang tiến hành khoan chân cột và lắp phần mái che sau đó đổ vật liệu sika (vật liệu chống thấm và đàn hồi).
Đại diện nhà thầu cho rằng, nguyên nhân bong bật là do đơn vị đang thi công phần mái che của thang cuốn. |
“Hiện nay, hạng mục này chưa đến bước đổ khóa chân cột mà vẫn đang triển khai. Riêng phần mối nối khung cột mái che thang cuốn hoen gỉ được làm bằng inox nên không thể nói là gỉ, đó là gỉ của mối nối hàn tích điện (hàn các ống inox lại với nhau) thành một khối thống nhất, sau khi hoàn thiện sẽ công nhân đánh bóng mịn,” đại diện nhà thầu cho hay.
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, Depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.
“Dự án được vận hành thử từ 20/9/2018, dự kiến hoàn thành sau 3-6 tháng, nhưng đến nay chưa hoàn thành căn chỉnh liên động 5 chuyên ngành gồm thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực và đường ray. Các chuyên ngành khác như thang máy, thẻ vé, điều hòa thông gió... cũng đang chờ thi công xong để nghiệm thu đưa vào vận hành thử,” ông Phương nêu ra tiến độ chậm chễ.
Trước đó, trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử vào ngày 15/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang trong giai đoạn cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành thương mại nên Tổng thầu Trung Quốc, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng. Vì vậy, Tổng thầu có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực Tổng thầu.
“Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến tháng 4/2019 mới khai thác thương mại./.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Nhiều băn khoăn về giá vé đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông
Gần 700 người vận hành 13km đường sắt Cát Linh-Hà Đông, nhiều hay ít?
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông liệu có giống buýt nhanh BRT?