Facebook "sập", liệu có cơ sở đòi bồi thường hay không?
VOV.VN - Tối 5/3, hàng loạt tài khoản Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp... (các ứng dụng của nền tảng Meta) tự động đăng xuất, báo lỗi, không thể đăng nhập lại. Trang theo dõi trực tuyến Downdetector nhận được báo cáo sự cố Facebook bị sập vào gần 22h30 là hơn 575.000 người.
Sự cố Facebook mất kết nối đã ảnh hưởng và tác động như thế nào đến người dùng và hệ thống mạng xã hội nói chung? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia an toàn thông tin Ngô Việt Khôi, để có những nhận định ban đầu.
PV: Thưa ông, người dùng Facebook và các nền tảng xã hội đêm qua đã trải qua vài tiếng có thể nói là hoang mang. Sự cố này tác động như thế nào đến người dùng nói riêng và hệ thống mạng xã hội nói chung?
Ông Ngô Việt Khôi: Có thể nói, sự cố của meta trên toàn cầu tối qua, tuy chỉ xảy ra trong vòng hơn 2 tiếng, nhưng làm cho chúng ta thấy rằng, mỗi người đang có một cuộc sống số quan trọng thế nào. Facebook là một phần không thể thiếu trong đời sống số.
Trung bình mỗi người online trên mạng xã hội 6-8 tiếng, nên dễ hiểu khi những ai có một phần cuộc sống trên mạng xã hội và những tổ chức có hoạt động dựa vào mạng xã hội đều chứng kiến sự hỗn loạn rất lớn.
Cộng thêm vào đó, kiến thức IT của mỗi người khác nhau, nên có người bình tĩnh, nhớ được mật khẩu và các cách uỷ quyền khác để đăng nhập. Nhưng có người đã nhờ những người tạm gọi có uy tín hơn họ trong việc lấy lại tài khoản, hoặc nhanh nhẹn hơn tạo tài khoản mới.
Số đông khi “nhờ vả” như vậy đồng nghĩa với việc trao quyền kiểm soát tài khoản của mình tạm thời cho những người ngay trên mạng có thể không quen biết hoặc không thân thiết trước đó.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhiều người gọi cho tôi và tôi khuyên họ nên bình tĩnh.
PV: Theo ý kiến của ông, những nguyên nhân nào có thể dẫn đến sự cố lớn như vậy? Liệu đây có thể là một cuộc tấn công mạng hay là vấn đề kỹ thuật?
Ông Ngô Việt Khôi: Cho đến bây giờ, các chuyên gia bảo mật vẫn chưa khẳng định liệu có một vụ tấn công hay không. Xét về hiện tượng, khi sự cố ảnh hưởng đến số lượng người dùng lớn như vậy thì đa phần là từ đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc ngay từ máy chủ chạy ứng dụng. Khi có những điều chỉnh lớn, server buộc phải khởi động lại. Người dùng trong phạm vi máy chủ đó phục vụ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Việc này không phải là không có tiền lệ. Vì năm 2021, Meta cũng đã có những gián đoạn tương tự trong 6h, nhưng người dùng ít hơn hoặc ảnh hưởng ở mức độ khu vực. Lần này chúng ta thấy, sự phàn nàn và khiếu nại không đến từ Việt Nam, mà tại Bắc Mỹ cũng đã có cả trăm triệu người dùng khiếu nại.
PV: Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, chúng ta có thể ước lượng được thiệt hại kinh tế ban đầu không, thưa ông?
Ông Ngô Việt Khôi: Mức độ tận dụng mạng xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức không giống nhau và số lượng người bị ảnh hưởng cũng chưa thể thống kê được. Ngoài ra, các điều khoản sử dụng cũng không nêu rõ ràng, trong trường hợp chúng ta bị thiệt hại thì ai và ở đâu áp dụng điều khoản bồi thường và cơ sở nào để đánh giá thiệt hại?
Bình thường chúng ta đã sử dụng miễn phí Facebook thì nếu có xảy ra thiệt hại do Facebook gián đoạn thì cũng khó để quay lại đặt vấn đề bồi thường với Facebook.
PV: Trong trường hợp này, theo ông Facebook có sẵn sàng để xử lý sự cố? Và những giải pháp để ngăn chặn các sự cố tương tự?
Ông Ngô Việt Khôi: Facebook chắc chắn sẽ đối mặt với việc xử lý khủng hoảng truyền thông không hề nhỏ đối với hàng trăm triệu người dùng. Ngoài ra, họ chịu áp lực cạnh trạnh với mạng xã hội khác, ví dụ như mạng X của tỷ phú Elon Musk.
Chắc chắn là Facebook phải có lời xin lỗi và những đơn vị bị thiệt hại do sử dụng Facebook cũng tính được thiệt hại và đặt vấn đề với Facebook.
Mức độ bồi thường dựa rất nhiều vào việc bạn am hiểu điều khoản sử dụng của ứng dụng này ra sao.
PV: Những khuyến nghị của ông dành cho người dùng Facebook và các mạng xã hội khác để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân?
Ông Ngô Việt Khôi: Mỗi khi xảy ra khủng hoảng, về mặt hiện tượng chúng ta không thể biết chúng ta bị hack hay ứng dụng đang cập nhật, hay hệ thống đang bị sập vì giao diện trên điện thoại trong những trường hợp đó giống hệt nhau.
Việc đầu tiên không hề thừa, đó là phải biết được mật khẩu mới nhất trên nền tảng mình đang dùng.
Khi chắc chắn mật khẩu đúng mà không vào được, thì phải đặt câu hỏi là có vấn đề nào đó xảy ra ở phía sau.
Việc thứ hai là không hoảng loạn bằng cách kiểm tra với những người khác, bằng những kênh khác và có phải là số đông đều đang bị giống bạn không.
Khi đã kết luận hiện tượng đang xảy ra trên diện rộng, thì bạn tạm thời không nên làm gì, vì khi cố gắng mở một tài khoản khác hoặc cố gắng đổi mật khẩu, lúc đó sẽ có rủi ro. Bởi vì hệ thống lúc đó đang không ổn định.
Bài học thứ ba là khi xảy ra sự cố, nếu bạn đang duy trì kết nối với khách hàng hoặc khán thính giả của bạn thông qua một kênh truyền thông khác, bạn hãy ngay lập tức thông báo với họ rằng đang có sự cố và đang tìm biện pháp để xử lý.
PV: Xin cảm ơn ông.
Trong khi đó, trao đổi với VOV Giao thông, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Công ty CP An toàn thông tin CyRadar cho biết: “Tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi từ bạn bè, người xung quanh, họ lo lắng về việc hacker chiếm mất tài khoản Facebook. Tại thời điểm này, người phát ngôn của Meta đã có thông báo về các vấn đề về kỹ thuật, nhưng cụ thể lỗi ở đâu thì chưa nói rõ.
"Tôi nghĩ rằng, phải chờ công bố chính xác nguyên nhân cụ thể, nhưng theo dự đoán của cá nhân tôi, ngoài vấn đề về kỹ thuật cũng có khả năng bị tấn công mạng. Để đảm bảo an toàn tài khoản mạng xã hội của mình, ngoài việc chúng ta đặt các mật khẩu đủ khó và không đặt trùng với những dịch vụ cài mật khẩu khác thì nên thiết lập yếu tố đăng nhập 2 bước. Trong quá trình sử dụng mạng xã hội và giao tiếp qua mạng, khi nhận được các tin nhắn có đường link, app cài trên điện thoại, yêu cầu cung cấp mật khẩu... thì phải rất thận trọng và tốt nhất là không nên đăng nhập vào”, ông Đức cho hay.
Theo số liệu thống kê tính tới tháng 4/2023 của Napoleon Cat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã Hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 85.100.000 người, chiếm hơn 84,1% dân số toàn quốc. Trong đó, phần đa là phụ nữ chiếm 51%. Những người từ 25 đến 34 tuổi là nhóm người dùng lớn nhất (24.600.000)