Gặp người lái xe cho Đoàn đàm phán Hiệp định Paris
(VOV) - 40 năm đã qua đi, nhưng câu chuyện như mới ngày hôm qua trong ký ức ông Michel Strachinescu.
“Tôi vẫn nhớ mãi những người đồng chí Việt Nam, nhớ mãi những chặng đường tôi đã cùng họ đi qua trong những năm tháng gắn bó với đoàn” - 40 năm đã qua đi, nhưng câu chuyện như mới ngày hôm qua trong ký ức ông Michel Strachinescu, người lái xe từng đưa đón đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên những nẻo đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp. Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã đến thăm và trò chuyện với ông Michel, một trong những người có vinh dự được Chính phủ Việt nam mời sang tham dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris.
“Chào đồng chí, đồng chí khỏe không? - hàng ngày chúng tôi đều nói với nhau như thế. Dù nhiều khi phải chờ đoàn và đưa đoàn về nhà vào 3h sáng, nhưng cảm giác vẫn thực sự tuyệt vời. Các nhân viên an ninh ở nhà vẫn ngóng đợi, rồi chúng tôi cùng nằm dài trên ghế trong phòng bếp, rủ nhau ăn gì đó vào lúc 3h sáng cho đỡ đói sau một ngày đi làm”.
Ông Michel Strachinescu |
Không cần một câu hỏi nào, với giọng sang sảng và nụ cười luôn rạng rỡ, ông Michel Strachinescu bắt đầu luôn câu chuyện về đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, như thể chỉ mong có người để ông kể lại câu chuyện hơn 40 năm về trước.
Ông kể: Tôi đến với đoàn hoàn toàn tình cờ. Tôi lúc đó là thành viên Đảng Cộng sản, nhưng không phải làm nghề lái xe. Thế rồi Đảng Cộng sản Pháp cần có lái xe cho đoàn bà Nguyễn Thị Bình và đề nghị tôi làm. Tôi biết đó là một nhiệm vụ và trách nhiệm không nhỏ, nếu không nói là một vị trí quan trọng. Và tôi đã đồng ý và làm việc đó trong 4 năm. Ngoài ra, một nhiệm vụ khác của tôi là đem thư từ Verriere-le-Buisson đi gửi, vì thư từ lúc đó của đoàn lo ngại bị bưu điện kiểm duyệt nên chúng tôi trực tiếp mang đi, thường là mang vào bỏ vào thùng thư ở quận 16”.
Ông Michel Strachinescu là một trong 4 người từng đảm nhận nhiệm vụ lái xe cho đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam. Riêng ông thường xuyên lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình, ông Lý Văn Sáu, ông Vương Đình Thảo và bà Nguyễn Thị Chơn.
Hành trình quen thuộc là từ căn nhà bà Nguyễn Thị Bình ở tại Verrière-le-Buisson đi tới khu chung cư mà các thành viên khác trong đoàn miền Nam sống ở Massy, rồi xuống Choisy-le-Roi họp với đoàn miền Bắc; hay ra Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber để đấu tranh trên bàn đàm phán chung 4 bên.
Hơn 4 năm ròng rã những chặng đường dẫu quen thuộc mà không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Có những khi có cả hiểm nguy rình rập khi xe của đoàn gặp một nhóm người có tư tưởng chống đối Việt Nam. Hay có lúc tưởng đơn giản chỉ là chuyện xe đang chạy thì bị rơi mất lá cờ nhỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam treo ở đầu xe.
Ông Michel kể: “Hôm đó xe đang đi trên đường cao tốc, tôi nhớ tôi chở ông Lý Văn Sáu và một số thành viên trong đoàn, thì bất ngờ chiếc đế cắm cờ bằng nhôm bị gẫy, lá cờ nhỏ bay xuống đường. Một cách rất tự nhiên, tôi nghĩ rằng không thể nào để lại lá cờ mà phải nhặt lại bằng được. Tôi làm dấu hiệu khẩn cấp, dừng xe lại và bước xuống, len vào giữa dòng xe đang ầm ầm lao đến và nhặt vội lá cờ lúc đó bay ra xa khoảng 200m. Nhiều lái xe, có cả lái xe mô-tô đã hét lên tưởng tôi bị điên mà lao vào dòng xe khi ấy, về nhà kể lại cũng nhiều người bảo là nguy hiểm quá. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nhất định không bao giờ tôi để lá cờ bị mất”.
Dù các thông tin về đàm phán được giữ kín, song những người bạn Pháp gắn bó với đoàn hàng ngày như ông Michel vẫn nhận được những chia sẻ tình cảm từ các thành viên trong đoàn đàm phán. Như ông nói “tôi đã trải qua vui, buồn cùng với các bạn, như một người Việt Nam thực sự”.
“Hai cuộc đấu tranh song hành, một trên chiến trường tại Việt Nam và một trên bàn đàm phán ở Pháp. Có những lúc buồn lắm, vì Mỹ ném bom giết hại bao nhiêu người Việt Nam. Tôi vẫn nhớ mãi một câu ông Lý Văn Sáu (tôi biết giờ ông đã mất rồi), ông Lý Văn Sau đã nói rằng: Bọn Mỹ có thể phá đất nước Việt Nam mười hay một trăm lần, nhưng rồi chúng tôi sẽ xây dựng lại gấp hai nghìn lần, tươi đẹp và phát triển hơn” – ông nói.
Riêng đối với bản thân và gia đình, ông Michel cũng từng phải vượt qua nhiều khó khăn, khó khăn những khi thời tiết giá lạnh, người lái xe phải ngồi ngoài trông xe chờ đoàn đàm phán, nhiều khi đến 2-3h sáng.
Tờ chứng nhận của chính quyền lâm thời miền Nam Việt Nam ông treo trân trọng giữa phòng khách |
Đàm phán không tiến triển, mọi người trong đoàn cũng mệt và buồn bã. Hay khó khăn khi ông thường xuyên phải trở về nhà khuya, có khi lại đi ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm hôm sau, vợ ông phải một tay quán xuyến việc nhà, chăm sóc 5 đứa con nhỏ.
Nhưng vượt trên tất cả, vợ chồng ông luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi số phận đã trao cho ông nhiệm vụ quan trọng, là một phần trong cuộc đấu tranh giành hòa bình cho Việt Nam.
Vợ ông, bà Jacquelines Strachinescu cho biết: “Lúc đó tôi không thấy quá khó khăn, có lẽ chính vì các con của chúng tôi còn rất nhỏ, chúng nó không để ý nhiều đến việc bố hay đi làm từ sáng sớm và trở về rất muộn. Tôi biết công việc của chồng tôi rất cần thiết và tôi không thấy có vấn đề gì quá lớn. Chồng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với đoàn và thường xuyên chia sẻ với tôi, tôi biết rằng chồng tôi thực sự hạnh phúc khi gắn bó với đoàn đàm phán của Việt Nam”.
Nhắc lại cảm xúc vào ngày Hiệp định Paris được ký kết, ông Michel xúc động nói: “Ngày 27/1 là một ngày chúng tôi tràn ngập cảm xúc như những người đồng chí Việt Nam. Việt Nam- một đất nước nhỏ bé đã buộc đế quốc lớn nhất là Mỹ phải quỳ gối khuất phục. Bác Hồ, đối với tôi, Người là ánh sáng cho nhân dân trên toàn thế giới. Tôi nhớ khoảng khắc 40 năm về trước, chúng tôi đã reo hò và cùng ăn mừng thắng lợi với các bạn. Nhưng cũng chính lúc đó, ai cũng biết rằng cuộc đấu tranh sẽ còn chưa chấm dứt. Và thực tế là sau đó còn một giai đoạn đấu tranh tiếp tục gian khổ”.
Chia tay người bạn Pháp từng gắn bó và đóng góp vào cuộc đấu tranh lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhìn lại tờ chứng nhận của chính quyền lâm thời miền Nam Việt Nam mà ông treo trân trọng giữa phòng khách, tôi – một người Việt Nam cũng cảm thấy vô cùng tự hào.
Hơn 40 năm về trước và cho đến ngày nay, cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta đã có sự ủng hộ rộng rãi. Ngoài ông Michel, có hàng trăm con người, người còn, người mất trên khắp nước Pháp từng ủng hộ, giúp đỡ và thậm chí đánh cược tính mạng, để sát cánh bên các “đồng chí” Việt Nam./.