Gặp những thầy giáo trẻ “gieo chữ” ở Trường Sa
VOV.VN - Những thầy giáo trẻ tâm niệm, được dạy học nơi đảo xa thì ý nghĩa của tuổi đôi mươi sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
“Kết thúc năm học vừa qua, 2 cháu tiểu học đều đạt học sinh giỏi, 2 cháu mẫu giáo là cháu ngoan Bác Hồ. Hè này chúng em ở lại đảo và hàng ngày các em nhỏ vẫn đến đọc sách tại thư viện trường. Gọi là nghỉ hè nhưng thầy trò lúc nào cũng gặp nhau và gắn bó thân thiết lắm nhà báo ạ”. Thầy giáo trẻ Lê Anh Đức, hiện đang dạy học tại trường tiểu học xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa – Khánh Hòa) hồ hởi gọi điện khoe với tôi.
Thầy giáo Lê Anh Đức cùng các em nhỏ bên ngôi trường mới
Có lẽ những ai đã từng một lần đặt chân tới Sinh Tồn, tới thăm ngôi trường mới, khang trang với lớp học đặc biệt ở vùng đảo cực đông Tổ quốc này, sẽ cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa và giá trị thiêng liêng của sự nghiệp “trồng người” nơi đây. Thành quả của thầy trò trường tiểu học Sinh Tồn chỉ gói gọn trong một tin vui của thầy Đức, song đó là quả ngọt được kết tinh từ trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của những người con xã đảo, cũng như sự vun vén của toàn xã hội theo tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.
Quê gốc ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, từ bé đã theo gia đình vào Khánh Hòa sinh sống; tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Khánh Hòa năm 2010, Lê Anh Đức viết đơn tình nguyện ra Sinh Tồn “gieo chữ”. Từng tham gia thanh niên tình nguyện tại những vùng khó khăn của Khánh Hòa khi còn là sinh viên, nên Đức tâm niệm phải đem nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc. Thầy giáo 26 tuổi kể, lần đầu tiên bước chân tới Sinh Tồn, được tiếp xúc với cuộc sống nơi đảo xa, tất cả đều mới mẻ khiến Đức vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng nỗi buồn cũng chỉ thoáng qua, bởi Đức vốn tự lập từ bé và việc liên lạc với người thân ở đất liền cũng khá dễ dàng, thuận lợi. Song trên hết, đó là niềm đam mê được đứng trên bục giảng và tình yêu vô bờ Đức giành cho những học trò nhỏ nơi phên dậu Tổ quốc này.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ và 4 học sinh tiểu học ở Sinh Tồn
Cùng dạy học với Lê Anh Đức ở trường tiểu học Sinh Tồn là thầy Nguyễn Ngọc Hạ, 24 tuổi, quê Khánh Hòa. Với thầy Hạ, dù chỉ một lần đặt chân tới Trường Sa đã là niềm vinh dự và may mắn, nay được bám đảo dạy học thì ý nghĩa của tuổi trẻ sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Thầy Hạ chia sẻ: “Ban đầu gia đình, người thân tỏ vẻ nghi ngại và còn phản đối khi em tình nguyện ra đảo công tác. Nhưng khi em trình bày lý do, nguyên nhân, bày tỏ nguyện vọng thì mọi người đã hiểu ra và cổ vũ. Đến giờ người thân, bạn đều hết lòng ủng hộ và bản thân em nhận thấy đó là quyết định đúng đắn. Ra đảo dạy học là vinh dự của cá nhân, đồng thời gánh trọng trách rất lớn lao, không những của người dân Sinh Tồn – Trường Sa giao phó mà còn của nhân dân cả nước đang hướng về Trường Sa thân yêu”.
Với 2 giáo viên và 4 trò nhỏ, lớp học đặc biệt ở Sinh Tồn được bố trí theo hình thức lớp ghép rất khoa học và dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Cái khó nhưng cũng vô cùng thú vị của lớp học là các thầy phải biết dung hòa giữa những cháu mẫu giáo – vốn chỉ biết vui chơi, ăn ngủ với những “anh chị” tiểu học cần sự trật tự để học tập. Thầy Đức và Hạ đã sáng tạo ra những cách dạy học độc đáo, đó là cùng một giờ học, trong khi hướng dẫn cho các cháu mẫu giáo tập tô, tập vẽ thì em học sinh lớp 1 làm toán và em học sinh lớp 3 học tiếng Việt. Như thế các cháu nhỏ không có “cơ hội” đùa nghịch, các anh chị lớp lớn cũng phải gương mẫu để các em nhỏ noi theo. Cứ thế, các thầy “điều phối” nhịp nhàng, tạo hứng thú cho các em nhỏ, gieo vào các em niềm đam mê học tập, gắn bó với xã đảo.
Góc học tập của các em nhỏ tại trường Tiểu học Sinh Tồn
Chưa vợ con, nhưng những cái tên của trò nhỏ là Nguyễn Trần Anh Luân (9 tuổi), Võ Trung Tín (7 tuổi); Võ Thanh Thạch và Nguyễn Công Minh Huy (đều 5 tuổi) được thầy Đức và Hạ “nằm lòng”, thuộc tính nết và coi các cháu như con, em của mình, một buổi xa chúng đã thấy nhớ. Khi nhắc đến những học trò cưng, cả 2 thầy đều tỏ vẻ tự hào cho biết các em rất ngoan, không bao giờ có chuyện “choạnh chọe” nhau trong lớp cũng như ở nhà. Có lẽ sinh sống nơi đảo xa, thời tiết khắc nghiệt nên các cháu biết yêu thương lẫn nhau, yêu ba mẹ, các thầy, yêu chiến sỹ trên đảo. Dù nhỏ tuổi nhưng em nào cũng lạnh lợi, cứng cỏi, mạnh mẽ như cây phong ba giữa nắng và gió biển Trường Sa vậy.
Với người dân xã đảo và những chiến sỹ đóng quân nơi đây, Lê Anh Đức và Nguyễn Ngọc Hạ là những “người trong nhà”. Thầy Đức cho biết, nhà trường và phụ huynh gắn bó với nhau rất thân thiết. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của các thầy chính là những con cá, mớ rau người dân đánh bắt, trồng trọt được đem tặng các thầy giáo trẻ độc thân xa nhà; còn quà tặng của các trò nhỏ dành cho thầy chính là những điểm 10 cùng với tình cảm trân trọng, yêu thương…
Xã đảo Sinh Tồn luôn tràn ngập tiếng cưới trẻ thơ
Tới Sinh Tồn những ngày này, khách từ đất liền không khỏi vui mừng, phấn khởi khi chứng kiến ngôi trường tiểu học mới được khánh thành, vẫn còn thơm mùi vôi vữa. Trường nằm giữa những hàng cây phong ba rợp bóng mát đặc trưng của Trường Sa, cạnh đó ngôi chùa Sinh Tồn trầm mặc, uy nghiêm và khu dân cư rộn ràng tiếng trẻ. Trường có diện tích 383m2 gồm 6 phòng học, thư viện, phòng giáo vụ, 2 phòng công vụ dành cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt và các trang thiết bị giáo dục cơ bản. Được xây bằng nguồn quỹ học bổng Vừ A Dính, đây là ngôi trường thứ hai được đưa vào sử dụng tại huyện đảo Trường Sa theo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” giai đoạn 2.
Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: "Giáo dục ở Trường Sa được ghi nhận là cơ bản, vững chắc, đó là thắng lợi lớn trong công tác giáo dục ở Trường Sa. Ở đây cuộc sống rất đơn thuần, các cháu không có sự bon chen, học đòi mà chỉ tập trung ăn học. Thế nên giáo dục ở đây sẽ chẳng bao giờ có chuyện “chạy theo thành tích”, hay thầy giáo phải đến từng nhà vận động các em đến trường. Các thầy dạy học rất bài bản, theo chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và đào tạo. Không những thế, môi trường học tập của học sinh ngày càng tốt và có thể tốt hơn nhiều so với một số trường ở trong đất liền. |