Già bản Xa Văn Thế ở bản Nhạp
VOV.VN - Có ông, những cánh rừng nghiến, lát hàng trăm năm được giữ lại; trẻ con chăm đi học, có cái chữ ấm cái bụng.
Hàng chục năm nay, người dân ở xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, Hòa Bình biết ơn già Xa Văn Thế lắm. Với họ, ông là một Anh hùng.
Ấm cái bụng thì không phá rừng
Từ thị trấn Đà Bắc, chúng tôi men theo tỉnh lộ 433 ngoằn ngoèo giữa hai bên rừng phòng hộ là đến bản Nhạp. Cả xóm được rừng phòng hộ “ôm” trọn, dưới chân đồi là lòng hồ sông Đà. Gặp ai trò chuyện họ cũng bảo: Có rừng như thế này là ơn già Thế lắm! Năm nay già đã 75 tuổi rồi nhưng vẫn còn hăng lắm, ai chặt rừng là già nói, đến tận nhà khuyên răn rồi báo cáo ủy ban, kiểm lâm.
Già bản Xa Văn Thế |
Cách đây gần 20 năm, người dân bản Nhạp đói lắm. Vì đất đồi dốc, cả bản chỉ trồng ngô, sắn mà năng suất thấp nên cuộc sống khốn khó đủ bề. Do túng bấn nên người dân đánh liều vào rừng tàn phá những cây rừng hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi để đổi lấy cái ăn, cái mặc. Đau đáu trước nỗi đau của rừng, ngày 10/10/1996, già Thế đã viết đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc đưa 4.500ha rừng Pu Canh trở thành rừng đặc dụng khoanh nuôi bảo vệ. Với cương vị là trưởng bản, công an viên, già đã tự nhận bảo vệ 61ha rừng nghiến ở ngay sát bản. Tuy đã được nhận bảo vệ, nhưng khu rừng giàu gỗ quý này vẫn thường xuyên bị lâm tặc và người dân nhòm ngó, chặt trộm. Quyết không để cánh rừng vào tay lâm tặc, già Thế cùng với 10 người con đã ngày đêm canh giữ, không cho bất cứ ai xâm phạm rừng.
Không chỉ giữ rừng, già Thế còn đi đến từng nhà vận động người dân không lên rừng chặt cây nữa. Rồi già phân tích cho mọi người hiểu tác dụng của việc giữ rừng, từ đó đã làm thay đổi suy nghĩ của dân bản. “Mình có nói hay đến mấy, dân bản có nghe mình đến mấy nhưng không làm no cái bụng thì không giữ được rừng. Làm thế nào để dân hết đói, hết nghèo? Nếu cứ để dân nghèo khổ mãi thì họ sẽ không tin mình nữa, họ sẽ lại lên rừng khai thác gỗ về đổi gạo. Như vậy, dân thì đói mà rừng cũng hết” - già Thế chia sẻ.
Trăn trở hàng tháng trời, thế rồi, già Thế cơm nắm một mình cuốc bộ gần 60km từ bản Nhạp về huyện cầu sự giúp đỡ. Về huyện, già được đi tham quan mô hình trồng ngô đông ở xã Cao Sơn. Khi thấy đất đồi ở đây cũng như mình mà họ làm được những nương ngô bạt ngàn, già Thế đã vui mừng nói với lãnh đạo huyện Đà Bắc: “Cây ngô sẽ là cây xoá đói, giúp cho đồng bào Tày ở bản Nhạp vươn lên thoát nghèo”. Khi về, già đã học cách trồng ngô của người dân vùng dưới và mua 3kg ngô giống về trồng thử.
Với cách làm mới, đúng kỹ thuật, cây ngô đã bén đất và cho năng suất cao. Từ 3kg ngô trồng thử nghiệm, năm đó già đã thu được 1,8 tấn ngô. Phấn khởi trước thành công này, già đã họp dân, chuyển giao kỹ thuật và đề nghị huyện hỗ trợ giống cho đồng bào rồi giao cả 1,8 tấn ngô này cho bà con làm giống trồng. Vụ sau nối tiếp vụ trước, sản lượng ngô tăng, diện tích ngô tăng, đất trống đồi trọc ngày càng giảm, bà con không phải vào rừng kiếm ăn nữa. Người dân lúc này tin tuyệt đối vào trưởng bản mình. Cho đến nay, cây ngô đông vẫn là cây chủ lực trong xoá nghèo của người dân ở bản Nhạp.
Nếu so sánh vụ đầu tiên, cả bản Nhạp với 110 hộ dân thu hoạch được khoảng 80 tấn ngô thì cho đến nay con số đó đã là 1.000 tấn. “Cây ngô đông đã tạo ra bước đột phá về đời sống người dân ở bản Nhạp này đấy. Nếu không có nó thì chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát được đói, chứ nghĩ gì đến chuyện thoát nghèo” - anh Xa Văn Thăm, một người dân ở bản Nhạp tâm sự. Theo anh Thăm, nếu không có già Thế nỗ lực giữ rừng thì hàng trăm hécta rừng nguyên sinh của bản Nhạp đã bị mất trắng.
Bây giờ, gần 1.000ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh đã được người dân tự nguyện gìn giữ như máu thịt của mình. Nhờ cây ngô của già Thế mà cho đến giờ cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở bản Nhạp đã ổn định. Cái đói đã không còn hiện hữu, cái nghèo cũng đang được đẩy lùi, cả xóm đã có đến hơn 80% số hộ có nhà kiên cố.
Ấm cái bụng, ấm cả cái đầu
Khi đã giữ được rừng, cái bụng của bà con không còn đói thì già Thế trăn trở chuyện học. Lần đầu tiên con chữ đến được với người dân bản Nhạp vào năm 1954. Từ đó cho đến năm 2006, ở đây chỉ có Trường tiểu học Đồng Chum.
Già bản Xa Văn Thế trăn trở việc học con chữ của trẻ con trong bản |
“Trường cấp II ở xa lắm, từ bản Nhạp phải đi bộ băng rừng mất cả buổi mới tới trường. Muốn đi học cũng chẳng được, vì nhà nào cũng nghèo, cũng đói. Cái ăn không đủ thì làm sao mà gánh được cái chữ về” - già Thế cười buồn. Điều đó cũng đồng nghĩa, trẻ con ở bản Nhạp chỉ học hết cấp I rồi lại ở nhà theo bố mẹ lên rừng, suốt ngày trên nương, trên rẫy. Theo nương, theo rẫy, con chữ cũng dần rơi rụng dưới mỗi gốc ngô, luống sắn. Với lại, đến trường học sách giáo khoa bằng chữ phổ thông, nhưng khi về nhà lại chủ yếu nói bằng tiếng Tày, nên đa phần các em nói tiếng phổ thông chưa sõi.
Già Thế trăn trở: “Rồi mai đây bọn trẻ lớn lên trong mù chữ, cứ bám lấy nương ngô, ít sào lúa nước để sinh sống hay sao? Phải có chữ để rồi có tấm bằng mà đi xin việc, biết cái chữ mà áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chứ”. Già Thế bàn bạc với xã xin Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc mở lớp học cấp II tại bản Nhạp.
Rồi già Thế viết đơn và một lần nữa đi bộ hơn 60km về huyện xin mở lớp tại bản. Ngày mở lớp, già về bản huy động người dân dựng trường, căn nhà hai gian bằng tre, nứa, lá. Lớp học mở ra có đến 90 em, nhưng chỉ được một vài hôm, học sinh thưa dần. Già Thế đến nhà hỏi lý do thì nhận được câu trả lời: “Đi học ai làm nương cho, không có ngô, lúa thì lấy cái gì ăn”. Bí quá, nghĩ mãi già lại nảy ra ý tưởng “điên rồ” là tự mình phải đi học để… làm gương! Và già Thế đi học thật, còn xung phong xin nhận làm lớp trưởng khi đã bước sang tuổi 71.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng (trường Đồng Chum) nhớ lại: “Ngày đến lớp đầu tiên, tôi thấy “choáng” trước sự có mặt của già Thế. Tôi rất khó xử, gọi học sinh thì ngại, gọi bác, chú thì không được. Thế rồi cuối buổi, già Thế chờ tôi ngoài cửa lớp nói: Trong lớp tôi là học trò của thầy, thầy cứ gọi học sinh, còn ra ngoài đường thì thế nào cũng được. Thầy đừng ngại”.
Mặc cho ai nói, hằng ngày già vẫn đến lớp ngồi học. Ngày lên lớp, tối đến già cùng trưởng bản, bí thư, phó bí thư bản đến từng nhà, gặp người dân để khuyên bảo trẻ con đi học. Câu đầu tiên già khuyên các cháu là: “Ta đã già yếu mà còn thích cái chữ thì các con cũng phải có cái chữ”.
Và những việc già Thế làm cho bản Nhạp thì không thể kể hết được, như lá rừng Pu Canh./.