Giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT với học sinh, sinh viên
VOV.VN - Nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng BHYT trở lại đang được các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, trong đó, nhóm HSSV cần được chú trọng hơn cả.
5 tỉnh, thành đạt 100% bao phủ BHYT cho HSSV
Hiện cả nước có 19,71 triệu HSSV, trong đó, số đã tham gia BHYT là 18,79 triệu em, đạt tỷ lệ 95,4%. Trong đó, tỷ lệ tham gia của nhóm HS đạt 96%, tương ứng với trên 17 triệu em, tại 27.013 trường học. Với nhóm SV, tỷ lệ tham gia đạt khoảng 92,3%, tương ứng với 1,76 triệu em tại 923 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Nổi bật là 5 BHXH tỉnh, thành phố đã đạt 100% bao phủ với nhóm HSSV, bao gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn.
Tại các tỉnh, thành phố khác, công tác này cũng đang được triển khai một cách khẩn trương.
Tỉnh Bắc Giang- một trong những địa phương đầu tiên từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nhưng số người tham gia BHYT đã đạt 1,69 triệu, trong đó, nhóm HSSV tham gia BHYT là 346.883 em, chiếm khoảng 20,4% tổng số tham gia BHYT trên địa bàn. Với việc bao phủ 100% BHYT HSSV, Bắc Giang đã có được động lực tăng trưởng và đang từng bước tiệm cận đạt mục tiêu phát triển BHYT năm 2021, hiện đang đạt 99,1% kế hoạch.
Tương tự, tại Hà Nam, địa phương đang đạt tỷ lệ bao phủ 100% BHYT HSSV, tương ứng với 165.768 em, cũng đang có kết quả tốt về việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHYT toàn dân năm 2021. Cụ thể, Hà Nam đã sớm đạt và vượt kế hoạch phát triển BHYT năm nay, đạt 101,1% kế hoạch, với 782.923 người tham gia BHYT, trong đó, nhóm HSSV chiếm 21,17%.
Tại các thành phố lớn có đông HSSV, tỷ lệ tham gia BHYT với nhóm này cũng khá tích cực. Đơn cử như tại Hà Nội, tỷ lệ tham gia đạt khoảng 98%, tương ứng với trên 2 triệu HSSV tham gia BHYT. Tại TP.HCM, tỷ lệ tham gia cũng đạt 95,4%, tương ứng với 1,93 triệu HSSV. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai, đạt bao phủ 99,2%, tương ứng với trên 617.867 HSSV; Nghệ An đạt bao phủ 93%, với 626.571 HSSV; Thanh Hóa đạt 89,1% với 665.340 HSSV…
Mặc dù đã đạt tỷ lệ bao phủ tương đối khả quan, tuy nhiên, dư địa tăng trưởng BHYT với nhóm HSSV còn tương đối lớn; theo đó, còn khoảng 914.950 HSSV chưa tham gia.
Trong tháng cuối năm, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để tăng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT với nhóm này, phấn đấu đạt bao phủ 100%.
Thực tiễn cũng chứng minh, nếu địa phương nào phát triển BHYT HSSV đạt kết quả tốt, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân tại địa bàn đó cũng sẽ đạt chỉ số khả quan.
Thời gian còn lại của năm 2021, các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc phát triển các nhóm có tiềm năng cao để gia tăng số tham gia BHYT, qua đó đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay. Trong đó, nhóm HSSV nên được ưu tiên tập trung phát triển trong bối cảnh hiện nay. Nếu thực hiện hiệu quả và đạt bao phủ 100% với nhóm HSSV, số tham gia BHYT trên cả nước sẽ tăng thêm gần 1 triệu người.
Khắc phục những khó khăn và phát triển đối tượng tham gia BHYT
Theo Bộ Y tế, việc gia tăng số người tham gia BHYT cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho thấy, chính sách BHYT đang đi đúng hướng, trở thành nguồn tài chính đáng kể góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tính đến hết 31/8/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu người, giảm 0,53 triệu người so với năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so với năm 2020 (tương ứng với 3,1%).
Theo quy định tại Luật BHYT thì BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên, chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế nhưng không tham gia (học sinh, sinh viên, hộ gia đình).
Để khắc phục những khó khăn và phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chủ động đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền để mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT dưới nhiều hình thức (tọa đàm, vận động đối thoại trực tiếp, hội nghị, hội thảo trao đổi về chính sách...) đến người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT. Phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho đại lý thu để vận động tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Bổ sung một số quy định liên quan tới mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người lao động tạm dừng hợp đồng lao động; hỗ trợ (hoãn/miễn) đóng BHYT đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng do thiên tại, dịch bệnh gây ra; lộ trình hỗ trợ mức đóng 5 năm cho các đối tượng sau thoát nghèo và các đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng mới ra khỏi danh sách thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên./.