Giáo dục thể chất: Học sinh ngồi... ngáp, đợi hết giờ
VOV.VN - Nhiều phụ huynh học sinh THPT tại Hà Nội phản ánh, thời gian dành cho môn học giáo dục thể chất trong nhà trường hiện đang bị lãng phí. Trong các tiết học thể dục, học sinh chủ yếu tán gẫu, có khi ngồi ...ngáp, đợi hết giờ.
Trong khi vai trò của giáo dục thể chất đối với học sinh ngày càng được quan tâm, vì sao việc dạy và học bộ môn giáo dục thể chất lại chưa đảm bảo đủ "chất”?
Giờ học thể chất với môn bóng rổ luôn là khoảng thời gian yêu thích của em Nguyễn Khánh Vy, học sinh trường Hà Nội Toronto, Cầu Giấy, Hà Nội. Em được học và thể hiện sở trường với các hoạt động thú vị: "Con hay chơi bóng rổ và bóng đá. Vừa học vừa kết hợp giải trí nên rất là vui, sau mỗi tiết học có bạn thua, có bạn thắng nhưng không sao cả vì vui là được".
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Tú cho biết, tại trường Hà Nội Toronto đang triển khai chương trình giáo dục thể chất theo chương trình quốc tế với hệ thống các môn thể thao đa dạng cho học sinh lựa chọn: "Học sinh trong trường được lựa chọn các môn thể thao phù hợp sở thích, phù hợp thể chất, thể lực của các bạn để ngay 1 thời điểm các bạn có thể phát triển những phần ưu tiên hơn".
Cô Nguyễn Thu Biên, hiệu trưởng trường Hà Nội Toronto chia sẻ, phát triển thể chất luôn là một trong những mục tiêu được chú trọng trong chương trình giáo dục của nhà trường: ''Chúng tôi cấu trúc bộ môn giáo dục thể chất từ 2-5/ tuần, các bạn học sinh học chương trình tích hợp toàn phần thì một tiêu chuẩn để các bạn nhận được tấm bằng quốc tế là mỗi năm phải học hơn 100 giờ giáo dục thể chất".
Tuy nhiên, hiện không nhiều trường có chương trình và hệ thống học tập thể chất phong phú như vậy, thậm chí là rất hiếm hoi bởi ở nhiều trường khác, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao thường không được chú trọng.
Môn thể dục trong các trường phổ thông thường bị xem nhẹ khi áp lực các môn học khác ngày càng tăng cao. Điều này dẫn tới nhiều giờ học giờ thể dục hiện đang gây lãng phí thời gian và công sức của học sinh - như quan sát của một số phụ huynh:
"Chúng nó không muốn học môn thể dục. Nhiều khi những cái chạy dài, chạy xa không được rèn luyện mấy, tiết thể dục chỉ tập mấy động tác như khởi động là hết tiết, các con không được rèn luyện thể lực".
"Thầy có cho các con vận động nhưng các con bây giờ thích ngồi 1 chỗ nên có những bạn thích hoạt động thì vẫn hoạt động, còn những con không thích thì ì trệ, không hợp tác với thầy".
"Phải có sự thay đổi để phù hợp với lứa tuổi bây giờ, chứ cứ áp dụng như ngày xưa, đến tiết học thể dục nhàm chán, không được như ý muốn nên kể cả thầy cô cũng chán mà học sinh thì chống đối".
Thực tế, những năm gần đây, giáo dục thể chất đối với bậc học phổ thông đã được chú trọng hơn trước, được xếp vào một trong những bộ môn chính dạy trong trường nhưng nhiều bất cập vẫn còn tồn tại.
Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận về những bất cập của giáo dục thể chất và thể thao trường học: "Việc tập thể dục, thể thao trong nhà trường hiện nay phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sân bãi, dụng cụ, tính truyền thống của mỗi địa phương. Các trường rất khó khăn trong việc bố trí sân bãi hay dụng cụ tập luyện dẫn tới là có những giờ học chưa được như mong muốn, đặc biệt là chưa thu hút được học sinh vì nó còn nhàm chán".
Qua theo dõi, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, bộ môn giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn kỹ lưỡng về khung chương trình cho từng cấp học và lớp học. Nhưng thực tế, nhiều trường, nhiều phụ huynh còn xem nhẹ công tác giáo dục thể chất cho học sinh.
"Tôi thấy có rất nhiều trường, các giáo viên bộ môn văn hóa xin giờ của giáo viên bộ môn giáo dục thể chất để dạy tiếp môn của mình. Chính điều đó khiến giáo viên giáo dục thể chất nhiều khi cũng không tâm huyết và thiết tha với nghề nữa, họ dạy cho có và dẫn tới tình trạng học sinh không chịu học và giáo viên dạy qua loa. Chúng ta đang lãng phí những tiết học thể chất trong trường phổ thông", bà Nga nói.
Môn học giáo dục thể chất cần được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt hơn, học sinh có thể được lựa chọn các phân môn phù hợp với mình
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra, bất cập của giáo dục thể chất trong trường phổ thông hiện nay không chỉ do thời lượng dạy và học quá ít, mà ngay cả đội ngũ giáo viên cũng đang bị thiếu hụt. Cùng với đó, cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác dạy và học bộ môn này cũng chưa bảo đảm chất lượng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm, cần quan tâm đến năng lực thể chất của từng học sinh và từng bước đưa giáo dục thể chất không còn là môn học phụ: "Thực tế bây giờ việc giáo dục thể chất không đáp ứng được các nhu cầu cá nhân hóa của học sinh, chưa khơi gợi được niềm đam mê với vận động trong xu thế học sinh càng ngày càng dính với không gian mạng nên càng lười vận động hơn. Cái chính là cần phải thay đổi nhận thức một cách nhất quán về giáo dục thể chất, nó không phải là môn thể dục mà là thành tố của giáo dục con người toàn diện".
TS. Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục nêu những đề xuất cụ thể để cải thiện vấn đề này: "Phải đáp ứng được các môn học mà các cháu yêu thích như các môn thể thao mới du nhập như ván trượt, bóng rổ để tạo hào hứng, hứng thú cho học sinh. Cũng cần điều chỉnh các tiết học thể chất phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, của nhu cầu học sinh".
Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục thể chất đã được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt hơn, học sinh có thể được lựa chọn các phân môn phù hợp với mình.
Tuy nhiên, chỉ từ phía học sinh là chưa đủ, các chuyên giao giáo dục cho rằng, yếu tố quyết định nhất nằm ở thái độ, nhận thức của nhà trường, của giáo viên, của phụ huynh về vị trí của giáo dục thể chất cần được đặt tương xứng với tầm quan trọng của nó.
Vấn đề thiếu đội ngũ giáo viên hay cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất có thể từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất thì điều quyết định là ở tư duy, nhận thức về môn học này. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh phổ thông thì "Giáo dục đừng bỏ qua giai đoạn "vàng" phát triển thể chất"
Điều 2 Nghị định 11 Quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường đã nêu rõ: “Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.
Như vậy, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nên không có khái niệm môn học phụ hay môn học chính. Mục tiêu và nội dung của giáo dục thể chất trong nhà trường cũng đã được thiết kế hợp lý, khoa học dựa trên khảo sát thực tế và các đóng góp chuyên môn.
Do đó, yếu kém trong giáo dục thể chất có lẽ nằm ở việc triển khai thực hiện, khi có chương trình đúng nhưng quá trình dạy và học chưa đúng.
Mà cái chưa đúng đầu tiên là nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục thể chất, thể thao trường học; trước hết là ngay trong ngành giáo dục. Từ chỗ là "môn phụ", cần nhìn nhận về môn học này có vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh và các thầy cô giáo.
Ở mỗi nhà trường, không phân biệt mô hình công lập hay dân lập, phải phải coi đây là một môn học cần sự đầu tư thích đáng từ đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất. Đối với xã hội, càng cần có những thay đổi nhận thức về môn học giáo dục thể chất khi môn học này giúp nâng cao thể trạng cho các em, là tiền đề để có được các thế hệ trẻ khỏe mạnh, năng động, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Hơn thế, trong bối cảnh internet và các trò chơi điện tử phát triển nở rộ và có sức hấp dẫn to lớn với học sinh, nếu giáo dục không có định hướng và ưu tiên giáo dục thể chất thì việc các em dành nhiều thời gian hơn cho các thú vui trên mạng hơn là rèn luyện sức khỏe tất yếu sẽ diễn ra.
Và lâu dần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thể trạng, sức khỏe của thế hệ trẻ, gây mất cân đối giữa phát triển trí tuệ, thể chất và nhân cách học sinh.
Hiện, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới đều rất chú trọng đầu tư cho môn thể dục-thể chất ở mọi cấp học.
Thời lượng tiết học của môn thể dục lên đến 4-5 tiết/ tuần, với các hình thức, phương tiện, sách vở, tài liệu... rất đầy đủ cho người học và người dạy; những học sinh giỏi thể thao được tuyển thẳng vào đại học, miễn giảm học phí…Điều này giúp việc giáo dục thể dục, thể thao và thể chất con người đều đạt được mục tiêu.
Trong khi, thể chất của người Việt vốn “thấp bé, nhẹ cân” nhưng giáo dục thể chất học đường lại đang bị xem nhẹ. Đã đến lúc cần sự thay đổi tích cực hơn ở các hoạt động này để học sinh không cảm thấy sợ, thấy ngại học mà thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất, từ đó trở thành đam mê, sở thích của các em.
Giáo dục thể chất đã đến lúc cần hướng tới đối tượng học sinh sao cho đúng hướng, đúng bản chất và có lợi nhất chứ không thể kéo dài tình trạng thiếu lửa, thiếu chất như hiện nay.