30% công chức “có cũng như không”: Làm sao để giảm?
(VOV) -Số công chức đó cụ thể là ở đâu, là ai và tại sao họ vẫn “tồn tại” trên những vị trí công tác?
Phó Thủ tướng thẳn thắn đặt vấn đề: Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn.
Phó Thủ tướng còn chỉ rõ ra rằng, trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.
Con số được Phó Thủ tướng đưa ra có bất ngờ? Có lẽ không ít người sẽ nói “Không”, bởi lẽ, không khó để nhận diện điều đó trong thực tế. Chỉ có điều, 30% đó cụ thể là ở đâu, là ai và tại sao họ vẫn “tồn tại” trên những vị trí công tác mà đáng ra nên được thay thế bằng người có năng lực, phù hợp với công việc?
Ở một góc độ khác, gắn với câu chuyện thời sự đang rất được dư luận quan tâm là kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội sau khi có phản ánh của Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực về dư luận xã hội có việc chạy công chức số tiền 100 triệu đồng tại kỳ họp thứ 6 HDND TP Hà Nội vừa qua, mới thấy vấn đề không hề đơn giản.
Kết quả kiểm tra của Hà Nội cho thấy chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để “chạy vào công chức, viên chức”, mặc dù quan điểm của Hà Nội là “không có vùng cấm” trong xử lý cán bộ liên quan. Dư luận vẫn cho là có và người dân, với những trải nghiệm cuộc sống thực tế thừa hiểu rõ. Nhưng rõ ràng việc chỉ ra cụ thể vụ việc, là điều rất khó. Vậy lý do chính ở đây là gì? Chúng ta thiếu những công cụ đánh giá, chưa xác định đúng cơ sở để kết luận hay lý do nào khác?
Cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào vẫn bất cập. Điều đó càng khẳng định điều mà dư luận “râm ran” lâu nay là có cơ sở. Chỉ có điều nghe có vẻ mâu thuẫn, là lương thấp sao vẫn cố "chạy"?
Còn trở lại với 30% công chức “không đem lại hiệu quả gì cho công việc”, một câu hỏi được đặt ra, làm cách nào để giảm (chưa dám mơ đến thay thế) con số trên? Chẳng lẽ trong thời gian chờ đợi các Đề án đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, số công chức trên vẫn mặc nhiên “sớm cắp ô đi, tối cắp ô về”, trong khi biết bao người trẻ được đánh giá là có năng lực đang phải vật lộn do các doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất, giảm biên chế trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp khó khăn ?./.