Bộ GD-ĐT nói về việc gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc
VOV.VN- Bộ GD-ĐT đã trao đổi trực tiếp với Sở GD-ĐT Hà Nội và phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn về vụ việc gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc.
Gần 300 giáo viên hợp đồng cả cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc.
Gần 300 giáo viên của Sóc Sơn đứng trước nguy cơ mất việc làm (Ảnh: Tiền phong) |
Theo đơn kiến nghị của gần 300 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn, sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn kí hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm.
Nhiều giáo viên hợp đồng từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.
Trả lời Báo điện tử VOV về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, trong thời gian vừa qua, một số địa phương trong đó có thành phố Hà Nội vẫn còn tình trạng thực hiện hợp đồng làm các công việc chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập là không đúng các quy định hiện hành. Năm 2015, Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) |
Về việc gần 300 giáo viên dạy hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, ông Hoàng Đức Minh cho biết, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi trực tiếp với Sở GD-ĐT Hà Nội và phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn, khuyến nghị với 2 cơ quan nêu trên trong quá trình tuyển dụng giáo viên cần xem xét đến những đóng góp của các thầy cô trong thời gian đã thực hiện hợp đồng tại các cơ sở giáo dục để quyết định phương án tổ chức tuyển dụng phù hợp, nhưng phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức được quy định tại Luật Viên chức, các Nghị định Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Đề cập việc tuyển dụng giáo viên, theo ông Hoàng Đức Minh, từ năm 2010, khi Luật Viên chức có hiệu lực, việc tuyển dụng viên chức (trong đó có giáo viên các cấp) được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, căn cứ vào các văn bản nêu trên, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập làm căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức và thực hiện giao biên chế viên chức hàng năm (trong đó có giáo viên) cho các địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng và bố trí, sử dụng viên chức theo quy định./.
Thay đổi trong công nhận trình độ của của giáo viên, chủ nhiệm giỏi
Lương giáo viên: Tăng như thế nào cho hợp lý
Nâng chuẩn trình độ của giáo viên: Coi chừng cuộc chạy đua bằng cấp