Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Phải chấm dứt dạy "văn mẫu" và học thêm, dạy thêm
VOV.VN - Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng dạy và học theo văn mẫu ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, tình cảm chân thành của học sinh.
Chấm dứt dạy học theo văn mẫu
Trả lời chất vấn của đại biểu Nàng Xô Vi, đoàn Kon Tum về chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người. Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt.
“Phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc. Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến
Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái, đoàn Bạc Liêu chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Đại biểu đặt vấn đề dù Bộ GD&ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, song thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm.
“Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về vấn đề này?”, đại biểu đoàn Bạc Liêu nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy, học thêm là việc ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Gần đây nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến.
“Tôi khẳng định, bình thường đã cần ngăn, bây giờ càng phải ngăn, vì học trực tuyến học sinh căng thẳng hơn. Việc thêm giờ, thêm nội dung là việc cần ngăn chặn”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.
“Trong Thông tư 09 ngày 30/3 về quy định dạy và học trực tuyến, văn bản đó đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Nếu trường thấy học sinh học quá giờ quy định... yêu cầu Sở GD&ĐT cần thanh tra, kiểm tra xem có hiện tượng này không, có bố trí quá giờ hay không. Chúng tôi sẽ tăng cường thành tra, có đầy đủ căn cứ và quan điểm là tích cực ngăn chặn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
20 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường do dịch Covid-19
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra.
Toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng. Bộ GD&ĐT đã động viên giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh.
“Dịch bệnh đang dần kiểm soát, kinh tế và hoạt động xã hội dần phục hồi nhưng ngành giáo dục bắt đầu chặng đường mới. Hậu quả do dịch gây ra và việc khắc phục nó không phải một sớm một chiều với những ảnh hưởng lâu dài chưa thể đo đếm được như lỗ hổng về kiến thức, tác động lâu dài đến học sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ./.