Chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy
VOV.VN -Sách giáo khoa viết dở mà gặp một thầy giỏi thì giờ học vẫn tốt, học sinh vẫn khá được. Do vậy, đào tạo sư phạm phải có sự thay đổi.
Là người tâm huyết đối với ngành giáo dục, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã có nhiều ý kiến đóng góp với những vấn đề đổi mới căn bản của nền giáo dục như đổi mới triết lý giáo dục, triết lý về sứ mạng của giáo dục, về vị trí, vai trò của giáo dục và về những nguyên lý điều hành nền giáo dục. Ông cho rằng, chỉ khi nào ba định hướng của giáo dục là: Thực học, dân chủ và khai phong được thực thi theo đúng nghĩa của nó thì sự nghiệp cải cách giáo dục mới có thể thành công.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã dành riêng cho VOV cuộc trả lời phỏng vấn về những điều bạn đọc quan tâm trong chuyên mục Chấn hưng giáo dục.
PV: Thưa GS, trong chuyên mục Chấn hưng giáo dục của VOV online, dư luận quan tâm nhiều đến việc nên bỏ hay vẫn tiếp tục thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Quan điểm của ông về vấn đề nay như thế nào?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết |
Nếu chúng ta bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT này thì chúng ta phải chịu hậu quả về chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, bỏ thi tốt nghiệp THCS, so với các thế hệ trước thì học sinh của mình học đã nhênh nhang lắm rồi. Đến bây giờ, chúng ta dỡ nốt kỳ thi này nữa thì chắc chắn là học sinh bỏ học luôn, không cần phải học nữa. Chất lượng giáo dục sẽ như thế nào? Chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước sẽ ra sao? Đó là một vấn đề rất lớn.
Tôi nghĩ rằng, nếu bây giờ mình có bỏ thi thì cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục. Những người đề nghị bỏ thi nghĩ là kỳ thi này nó cồng kềnh, tốn kém và không đánh giá được thực chất chất lượng giáo dục. Có thể tất cả những nhận xét đó là đúng. Nhưng bỏ thi đi thì không cải thiện được gì cả mà thậm chí còn làm cho chất lượng giáo dục kém thêm. Theo tôi không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT này.
Nếu bây giờ chúng ta muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ vì nó đánh giá không đúng chất lượng và không giải quyết được vấn đề chất lượng thì không khác gì mình biết trong người có bệnh mà không chịu đi khám bệnh vì mình cho rằng khám bệnh cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Khám bệnh cũng không gọi ra được bệnh. Nếu khám bệnh mà không gọi ra được bệnh là do cách khám bệnh là không đúng. Còn kỳ thi, kiểm tra mà không đánh giá đúng được học sinh là do cách kiểm tra của mình chứ lỗi không phải là kỳ thi. Vậy giờ phải đổi cách kiểm tra.
PV: Đổi cách kiểm tra cũng là nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang ở đâu? Vấn đề bức xúc và nổi cộm của giáo dục hiện nay là gì?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Vấn đề nổi cộm nhất trong giáo dục hiện nay cũng chính là chất lượng thực sự của giáo dục là như thế nào. Hiện nay, chúng ta nhìn nhận về chất lượng giáo dục rất phân tán. Có những ý kiến gần như phủ định hoàn toàn. Cũng có ý kiến cho rằng đâu đến nỗi thế. Tôi phải nói thế này, có rất ít nước hài lòng về giáo dục lắm. Đến nước Mỹ cũng chê giáo dục của họ mặc dù với ta giáo dục Mỹ là tốt lắm rồi.
Ngày 26/5/2012, tôi ngồi trên máy bay sang Bangkok có công việc. Tôi lấy tờ báo tiếng Anh của Thái trên máy bay ra đọc. Tôi giật mình thấy ở trang nhất có tít bài là Một nền giáo dục đang rơi tự do. Tôi nghĩ ngay chắc là người ta viết về giáo dục Việt Nam. Tôi mở trang báo đó ra thì hóa ra họ chỉ trích nền giáo dục Thái Lan. Ở trong đó có một đoạn nói về Việt Nam, rằng hãy nhìn sang Việt Nam, Việt Nam nghèo hơn Thái Lan, thu nhập thấp hơn Thái Lan nhưng học sinh, sinh viên Việt Nam học giỏi hơn Thái Lan với biết bao giải quốc tế… Ví dụ đó để thấy ít nước người ta hài lòng về nền giáo dục của nước họ.
Chúng ta phải đánh giá một cách bình tĩnh, sao chúng ta đầu tư cho giáo dục ít như thế mà lại cứ so sánh với Mỹ với Pháp với các nước tiên tiến thì đánh giá như thế sẽ không đúng.
Theo tôi, giờ chúng ta phải có một sự đánh giá tương đối khách quan về chất lượng giáo dục. Đánh giá từ trong đã đành giờ cần nhất là phải có đánh giá cả từ bên ngoài. Cụ thể cần tham gia vào một số đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế. Ví dụ hiện nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã tham gia vào đánh giá chất lượng theo hệ thống PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA là dự án nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất và uy tín trên thế giới Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng-PV).
Chúng ta hãy chờ xem kết quả đó như thế nào. Lúc ấy nó sẽ nói cho chúng ta biết chất lượng giáo dục của chúng ta đến mức nào trong bản đồ phát triển của thế giới để chúng ta điều chỉnh. Trong đánh giá PISA thì Phần Lan luôn đứng ngôi đầu bảng.
Người thầy có vai trò quan trọng đối với chấn hưng giáo dục
PV: Sau khi đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục thì cần có biện pháp nào để cải thiện nó, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi để cải thiện chất lượng giáo dục thì phải sớm thành lập được các tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá được chất lượng ấy. Chứ bây giờ mình giao cho thầy cô dậy, thầy cô lại tự ra đề, tự chấm thì không thể đánh giá khách quan được.
Thầy cô giáo có vai trò quan trọng đối với nâng cao chất lượng giảng dạy |
Thứ hai là phải đổi mới chất lượng giáo viên, đổi mới đào tạo giáo viên. Người thầy giáo quyết định quan trọng lắm. Tôi xin nói thế này, chương trình giáo khoa rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng thầy giáo đâu. Chương trình sách giáo khoa dở mà gặp một thầy giỏi thì giờ học vẫn tốt, học sinh vẫn khá được. Do vậy, đào tạo sư phạm phải có sự thay đổi. Ví dụ như các kỳ thi tuyển sinh vào sư phạm. Chúng ta không thể tuyển sinh như các trường bình thường được. Tức là chỉ kiểm tra trên giấy được. Tức là phải có thêm phỏng vấn trực tiếp xem ngoại hình thế nào, lời ăn tiếng nói, cử chỉ của thí sinh thế nào, có sư phạm không.
Đặc biệt là quan niệm về sư phạm của thí sinh ra sao. Có thể hỏi họ những câu như em thấy thế nào khi thời gian gần đây những cô nuôi dạy trẻ, hay cô giáo ở các trường học phạt học sinh hoặc có những hành vi khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Nếu họ chỉ coi nghề dạy học như một nghề kiếm sống như bao nghề khác chứ họ không hợp với nghề này, họ không có tình cảm với lớp trẻ, với trẻ con thì không thể theo ngành sư phạm được.
Tôi nghĩ cách tuyển sinh vào ngành sư phạm phải thay đổi, cách đào tạo cũng phải thay đổi. Nó phải gắn bó với xã hội hơn. Nhân đây, tôi cũng xin nói là không chỉ là ngành sư phạm đâu. Tất cả các ngành đào tạo đều phải gắn bó với xã hội hơn để khi ra trường thì sinh viên và học sinh có thể bắt tay ngay vào nhịp của công tác sản xuất của đời sống chứ không xa lạ với nó.
PV: Học sinh, sinh viên giờ có câu “Chuột chạy cùng sào thì mới vào sư phạm”. Điều này cho thấy, ngành sư phạm giờ không còn là ngành hẫp dẫn nữa. Khi thí sinh không mặn mà thì khó thu hút người giỏi, chúng ta lại còn tuyển sinh gắt gao thì có hợp lý không?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là ngành sư phạm không hẫp dẫn. Mình cũng phải xem lại cái chính sách nhân lực của mình. Phải có sự ưu tiên thực sự cho các thầy các cô chứ không thể đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay làm sao để mình lựa chọn được thì tôi cho rằng chỉ cần nhà nước đảm bảo có công ăn việc làm cho người ta thôi thì sinh viên sẽ lại vào sự phạm rất đông. Thứ hai là ngay cả trong hoàn cảnh như hiện nay, mình vẫn được quyền lựa chọn. Đừng đào tạo hàng nghìn cử nhân sư phạm một lúc mà mình đào tạo ít thôi. Lọc được người đào tạo tử tế thì tôi nghĩ rằng những biện pháp đó vẫn có thể thực hiện được.
Kiểu gì cũng phải tăng đầu tư, trong đầu tư thì có đãi ngộ với người giáo viên. Thử tưởng tượng xem dạy một lớp có sĩ số 50-60 học viên thì thầy nào có thể dạy cho học sinh đó giỏi được. Một lớp chỉ nên có từ 30-35 em thôi thì giáo viên mới nắm được từng em, mới hướng dẫn được sát sao.
PV: GS nghĩ thế nào về bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Mà từ bệnh thành tích dẫn đến gian đối. Giáo dục mà gian dối thì ở đâu thật thà?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bệnh thành tích là bệnh của cả nước mình. Bệnh nói dối là bệnh của cả nước mình. Giáo dục cũng phản ánh cái bệnh chung của cả nước thôi. Bây giờ bảo một mình ngành giáo dục khắc phục thì rất là khó. Hiện nay, chúng ta đang tập trung vào bàn thảo những biện pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam và rất nhiều người kỳ vòng là mươi năm nữa thì giáo dục Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ khác hẳn. Nói thật là tôi không tin lắm vào việc này. Bởi vì nếu chúng ta chưa cải cách mạnh mẽ về kinh tế- xã hội, chúng ta chưa cải cách mạnh mẽ về chính sách nhân lực thì không có một cải cách nào về giáo dục thành công được cả. Vì giáo dục muốn phát triển thì phải có động lực. Động lực đó là kinh tế xã hội. Mà xã hội như thế này thì không thể nào thúc đẩy giáo dục phát triển được. Chính sách nhân lực như thế này thì không kích thích học sinh học hành tử tế được. Đó là chuyện rất khó hiện nay.
Tôi nghĩ giờ mỗi một ngành, trong đó có ngành giáo dục phải như các đội quân chốt trên các chốt trên chiến trường, không phải vì các chốt khác lơ là mà mình cũng lơ là. Hãy giữ thật chắc vị trí của mình ở chốt đó. Theo tôi, trong trường hợp này ngành giáo dục cũng phải có các biện pháp khắc phục bệnh thành tích, khắc phục bệnh gian dối. Nếu không mình sẽ đào tạo ra một thế hệ tiếp tục gian dối, tiếp tục chạy theo những danh vọng tầm thường, thành tích ảo thì đất nước sẽ khó phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!./.