Chấn hưng giáo dục: Lắm nỗi băn khoăn
VOV.VN -“Nền giáo dục Việt Nam rất đầy đủ, đa dạng, có nhiều điểm nổi bật nhưng không liên kết được với nhau”.
Thiếu điểm giao nhau
Theo quan điểm của độc giả Trần Tiến Lập, có thể hiểu nền giáo dục Việt Nam như các hình Elip và về nguyên tắc đào tạo tất cả các Elip này đều phải giao nhau, tối quan trọng hơn là một đường Elip cái bao phủ phần lớn các Elip còn lại. Elip cái đó chính là kết tinh của giáo dục, chính là sản phẩm được vận dụng thông qua các lĩnh vực bởi tư duy.
Hiểu đơn giản tất cả các thứ được học phải liên kết nhau và tất cả các thứ ấy phải được một bộ óc quản lý, bộ óc ấy vận dụng hay tư duy phục vụ cho mục đích xã hội - đó mới chính là giáo dục. Tuy nhiên, ý kiến của độc giả Trần Tiến Lập cho rằng, gần như các elip hiện ít liên quan đến nhau. Điều đó dẫn đến chúng ta họp bàn liên tục nhưng chưa tìm được giải pháp tối ưu.
Học sinh một trường ở Hà Nội đến làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT |
Còn theo bạn Nguyễn Thiện Phúc, để chấn hưng thì cần xét đến cái gốc của vấn đề. Theo đó, cần giải đáp các câu hỏi: Khi nào giáo viên với thu nhập đủ sống để khỏi phải lo việc “dạy thêm”? Khi nào phụ huynh không phải suy nghỉ đến việc chạy trường như đang chạy cái ghế của họ? Khi nào năng lực và tâm huyết đi trước, quan hệ và bằng cấp là đến sau?...
Cùng chung quan điểm, độc giả Song đề nghị cần chú trọng đến đội ngũ giáo viên, bên cạnh đầu tư vào sách giáo khoa, thiết bị dạy học: “Cần lo lương bổng của anh em đủ sống, quy định thật chặt chẽ để cho thầy cô tận tâm tận lực thực hiện việc dạy học, tránh tình trạng không dạy ở trường hoặc dạy qua loa lấy lệ để về nhà dạy thêm. Đáng lẽ ra thời gian ở nhà giáo viên cần nghiên cứu cho nài giảng hay hơn thì người ta lại tập trung vào dạy thêm. Mọi cuộc chấn hưng đổi mới giáo dục sẽ không hiệu quả nếu không giải bài toán giáo viên”.
Với độc giả Duy Quý, con số gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp không đi đôi với thực chất giáo dục phổ thông hiện nay. Bệnh thành tích quá trầm trọng nhưng không có cách chữa; Ảo tưởng về chất lượng giáo dục; Đào tạo không gắn liền với thực tiễn; Đội ngũ giáo viên chưa được coi trọng (thấp cả đời sống tinh thần lẫn vật chất); nặng về thi cử, bằng cấp; sai lầm trong tư duy quản lý. Tất cả những yếu tố đó dẫn đến giáo dục kém phát triển.
Hành động trách nhiệm hơn nữa
Độc giả Nguyễn Trọng Khoa đặt câu hỏi tại sao chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục mà đời sống của giáo viên còn quá khó khăn? Đồng lương ít ỏi dẫn đến không hấp dẫn khi người ta chọn nghề giáo và cũng chính điều đó làm cho chất lượng đầu vào thấp - trình độ giáo viên cũng thấp dần.
Theo độc giả này, trước mắt phải thu hút người tài vào trong nghành giáo dục để họ làm thầy với điều kiện là đủ tư cách, phẩm chất, năng lực. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội là điều quan trọng không kém, kỹ năng giáo dục con cái của cha mẹ cũng phải được nâng lên. Cần có những lớp hướng dẫn phụ huynh giáo dục chính con em của mình; xã hội cũng phải có công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với thế hệ tương lai của mình.
“Tình trạng của nền giáo dục như hiện nay không chỉ do lỗi của một bộ phận, của ngành giáo dục mà nó phản ánh mặt trái của sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian qua. Phải chung tay góp sức, bằng cả trí tuệ, trách nhiệm vì lợi ích trăm năm trồng người, có như vậy thì mới cải cách hiệu quả nền giáo dục của chúng ta”- Nguyễn Trọng Khoa viết.
Đạo đức của người học chưa được nâng cao, trình độ chuyên môn còn chưa chuyên sâu học trên lý thuyết nhưng chưa hoàn toàn vận dụng áp dụng vào cuộc sống, đa số các học sinh, sinh viên ra trường đều đã bỏ quên các kiến thức đã học… là những điều mà bạn Võ Quốc Cường cho rằng cần có giải pháp thay đổi.
Độc giả Quốc Cường cũng đưa ra ý kiến, để thay đổi rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên cần có nhiều hoạt động thức tế, nâng cao chỉ số EQ và SI cho học sinh; đồng thời cũng là sân chơi nâng cao tính hoạt động tập thể đóng góp tập thể, và học hỏi lẫn nhau trong môi trường kết hợp và trao đổi về nhân cách với nhau. Về học tập kiến thức, độc giả này cho rằng cần thay đổi về thực hành nhiều hơn và áp dụng vào thực tế nhiều hơn,
Còn độc giả Lê Tiến Công, người đã từng là giáo viên, nêu ý kiến cho rằng: Một bộ phận thế hệ trẻ đang dần mất đi ý chí phấn đấu và ý thức tự giác vì: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh có suy nghĩ muốn có việc làm thì không phải cứ học giỏi là được mà phải có tiền hoặc có ô dù. Tiêu cực trong giáo dục dẫn đến một bộ phận học viên chán nản còn một bộ phận khác lại lười nhác vì đằng nào cũng có điểm cao. Vì thành tích mà người lớn đã làm cho thế hệ trẻ thiếu ý chí phấn đấu./.