Cô gái dân tộc Dao Tiền "tí hon" quyết tâm thi vào đại học
VOV.VN - Mặc dù chiều cao khiêm tốn và vóc người không được hoàn thiện nhưng cô gái dân tộc Dao Tiền Triệu Thị Phượng luôn có ý chí trong học tập và rèn luyện.
Chỉ cao có 1m 28, lưng lại bị gù, sức khỏe không được như các bạn đồng trang lứa nhưng Triệu Thị Phượng, dân tộc Dao Tiền, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để lên Hà Nội dự thi đại học.
Triệu Thị Phượng (áo hồng) chỉ cao 1m28 chụp ảnh cùng bạn gái ở ký túc xá Đại học Luật Hà Nội
Có lẽ điều khiến tôi và nhiều người ngạc nhiên, thậm chí rất tò mò là về chiều cao khiêm tốn và vóc dáng của cô bé người dân tộc này. Mặc dù sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác nhưng đến tuổi tập đi, Triệu Thị Phượng vẫn không thể đứng được. Cứ hễ bố mẹ dìu em đi hay cho vịn vào một cái gì đó để tập đi thì khi được đứng lên, cô bé này không trụ được, lại ngồi phịch xuống dưới đất.
Mặc dù biết con mình không thể đi được như những trẻ phát triển tự nhiên khác nhưng vì năm 1996, gia đình Phượng quá nghèo khó, không có tiền cho con đi khám bệnh, kèm theo suy nghĩ còn nông cạn nên bố mẹ đã để em ở nhà với hy vọng cứ tập, dần dần thì con mình sẽ biết đi.
Thế là hàng ngày, bố mẹ tập cho Phượng đi bằng cách hướng dẫn em dịch chuyển người, nhấc mông, đi khập khiễng bằng 1 chân và trống tay xuống dưới đất để đỡ người đi. Quá trình tập luyện này kéo dài đến khi Phượng lên 5 tuổi. Và một ngày kỳ diệu như trong mơ đã đến, em đã tự đứng dậy và đi được bằng hai chân. Tuy nhiên, vì hồi bé không đi được, cứ phải ngồi nhiều nên lưng của Phượng bị vẹo và gù cho đến tận bây giờ.
Dù chiều cao chỉ có 1m 28, lưng bị gù và thỉnh thoảng ốm đau nhưng cô gái người dân tộc Dao Tiền Triệu Thị Phượng rất chăm chỉ và chịu khó vượt qua mọi mặc cảm về hình dáng để học tập tốt.
Từ lớp 1 đến lớp 9, mặc dù gia đình Phượng ở vùng núi cao, cách trường học tới tận 28 km nhưng thời gian đầu, Phượng vẫn rất chịu khó đến trường. Nghĩ đến đứa cháu chăm chỉ học hành nhưng đi lại khó khăn, bác của em ở cách trường vài cây số đã đồng ý cho đứa cháu ở lại nhà để tiện đi học gần hơn.
Từ nhỏ, lưng của Phượng đã bị gù
Đến năm cấp III, trường học cũng cách xa nhà nên Phượng đã phải thuê phòng trọ để ở. Chính vì từ năm lớp 1 đã phải sống xa bố mẹ, biết việc hỗ trợ đi lại phụ thuộc rất nhiều vào bác của mình, Phượng luôn rèn luyện nền nếp, ý thức tự lập, học hành chăm chỉ. Thậm chí, ngoài giờ học ở trên lớp, cô gái này còn cố gắng làm những việc nhà giúp bác của mình. Những tháng nghỉ hè được về quê, Phượng còn tranh thủ ra ngoài ruộng giúp bố mẹ các công việc phụ, phù hợp với sức khỏe.
Phượng luôn khắc ghi mãi lời nói của mẹ: “Tuy chiều cao và vóc dáng của con không hoàn thiện nhưng con phải nghĩ rằng, mình còn may mắn hơn nhiều người khác”. Vì vậy, em không còn nghĩ nhiều đến hình dáng của bản thân. Được học tập như bao bạn bè bình thường khác và có thể giúp đỡ gia đình, cô gái dân tộc miền núi không còn tự ti mà ngược lại cảm thấy rất vui vì mình còn có ích.
Vẫn quyết thi đại học dù biết bố mẹ rất lo ngại...
Những ngày chuẩn bị thi kỳ thi đại học, cao đẳng, nhiều bạn học sinh thường tìm đến các lò luyện thi để ôn tập thì Phượng lại tự ôn bài ở nhà. Suốt từ năm lớp 1 đến 12, Phượng luôn chủ động trong học tập và liên tục là học sinh Khá.
Trong tất cả các môn, cô gái cao 1m 28 yêu thích nhất là môn Văn học vì em cho rằng, Văn học chính là nhân học, dạy chúng ta nhiều triết lý của đời sống và góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Vì lẽ đó mà ngày nào có tiết Văn, Phượng đều chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài cũng như thích thú nghiên cứu từng lời ca, câu từ trong mỗi bài học.
Tranh thủ thời gian, Phượng ôn lại bài trước khi thi đại học
Tuy rất chăm chỉ học hành nhưng không phải lúc nào Phượng cũng nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Biết sức khỏe con mình không được tốt lắm, đi lại khó khăn, bố mẹ nghĩ để em học xong lớp 12, sau đó cho em học nghề gì đó phù hợp. Vì thế mà khi Phượng xin thi đại học thì bố mẹ không cho đi. Tuy nhiên, được sự vận động, ủng hộ và chia sẻ của người cậu, từ vùng núi cao, em đã vượt hàng trăm cây số lên Hà Nội thi đại học.
Năm nay, cô gái cao 1m 28 dự thi khối C Đại học Luật Hà Nội. Mặc dù biết rằng, điểm chuẩn của trường hàng năm tương đối cao nhưng em vẫn muốn thử sức ở ngành học, trường học yêu thích.
Tâm sự với tôi, cô gái người dân tộc Dao Tiền cho biết: “Em rất thích thi vào Đại học Luật Hà Nội. Nếu đỗ thì là niềm vui rất lớn đối với em nhưng nếu không đỗ thì cũng chẳng sao. Có thể em sẽ chuyển sang học nghề May hay dệt thổ cẩm để giữ gì những bộ trang phục đẹp của dân tộc. Em không quan trọng là bắt buộc phải thi đỗ đại học vì mỗi người còn rất nhiều con đường khác để bước vào đời và lập nghiệp”.
Lời tâm sự hồn nhiên, trong sáng của cô gái 18 tuổi Triệu Thị Phượng đã toát lên sự tự tin trong cuộc sống, ước mơ rất bình dị mà cao đẹp, hoàn toàn khác với số đo chiều cao khiêm tốn và dáng vóc chưa được hoàn thiện của em./.