Đánh giá học sinh theo thông tư 30: Ban hành bỏ đấy, làm cho xong?
VOV.VN - Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng Thông tư 30 nhưng tại sao triển khai ở Việt Nam lại chật vật thế?
Không ai phủ nhận tính nhân văn và hiện đại của Thông tư 30. Nhiều nước có nền GD tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng. Thế tại sao triển khai ở Việt Nam lại chật vật thế? Dưới đây là những lý do rất đơn giản.
1. Quan liêu
Tình cờ trong lúc đưa con đi học tôi nghe được mẩu đối thoại sau giữa cô hiệu trưởng với một cô giáo chủ nhiệm lớp 3.
- Trên yêu cầu đánh giá Thông tư 30.
Cô chủ nhiệm cười cười nói:
- Lần này chị bảo em nói thật hay không thật?
Cô hiệu trưởng bảo: - Thật.
Hình như đã có những báo cáo chưa đầy đủ về Thông tư 30 từ các trường nên phòng GD, sở GD-ĐT chưa nắm hết được tình hình? Khả năng này rất dễ xảy ra bởi xưa nay các trường vẫn giữ thái độ ngoan ngoãn và lấm lét mỗi khi nhìn lên cấp phòng, cấp sở.
Nhà trường dù triển khai Thông tư 30 thấy vấp cũng sợ trên mắng là đi họp, đi tập huấn thế nào mà triển khai không được nên có thể cứ báo cáo cho hay, cho đẹp hoặc ậm ừ qua quýt cho xong.
Lần này thấy giáo viên phụ huynh kêu quá, không chịu nổi (mà trên có lẽ cũng muốn lắng nghe thật) nên trường mạnh dạn làm thật.
Tôi tin là có tình trạng trên không nhòm xuống mà dưới cũng chẳng ngó lên. Người ban-bỏ đấy và người làm-cho xong. Nhẽ ra chỉ sau một học kỳ thì cần điều chỉnh ngay, đằng này đã 2 năm học trôi qua.
2. Không phản biện
Trước mỗi lần đổi mới, ngành GD đều triệu tập giáo viên cốt cán đi tập huấn bồi dưỡng. Thông tư 30 cũng thế. Vậy vì sao lúc tập huấn giáo viên không có ý kiến phản hồi với chuyên gia hoặc lãnh đạo cấp trên? Theo tôi có thể xuất hiện những trường hợp sau:
- Đối tượng GV đi tập huấn yếu, hoặc không đúng đối tượng.
- Tập huấn qua loa. Thầy truyền đạt không hết nhẽ mà người học cũng chưa tiếp thu hết ý.
- Thầy cô chỉ thụ động ngồi lắng nghe ghi chép để về truyền đạt lại mà không biết (đúng hơn là không dám phản biện) khi mường tượng thấy những bất cập có thể nảy sinh lúc triển khai.
Ở đây tôi cho rằng lý do không dám phản biện nhiều hơn. Các thầy các cô, nhất là bậc tiểu học ở Việt Nam, thấm nhuần quan điểm: Trò phải lắng nghe! Thầy, cô luôn đúng! Giáo viên nghĩ cứ trên đưa về là đúng, là trúng khỏi bàn cãi.
Hơn nữa đứng trên bục tập huấn kia toàn những bậc mũ cao áo dài, học hàm học vị đầy mình, là thầy mình trước đây…, nên có nhấp nhổm muốn phản biện thì e ngại, sợ “chẳng phải đầu cũng phải tai”. Rồi cái tâm lý thiếu tự tin đè chặt họ xuống ghế. Họ chọn cách im lặng. Chẳng dại!
3. Thiếu đồng thuận.
Nhiều vấn đề nổi cộm của GD Việt Nam muốn giải quyết triệt để thì đôi khi vượt ra ngoài thẩm quyền và phạm vi của ngành GD. Với Thông tư 30 thì bản thân phụ huynh cũng chưa hiểu thấu đáo.
Thực tế cũng chẳng ai cho bàn thảo, chẳng ai giảng giải cho nghe để mà hiểu, để mà cảm thông chia sẻ với nhà trường, để cùng với thầy, cô dạy dỗ con mình.
Chính vì thế nên không ngạc nhiên khi nhiều phụ huynh phản ứng với Thông tư 30, nhât là khi nó diễn ra trong bối cảnh tâm lý nghi kị, thiếu niềm tin với GD ở mức đỉnh điểm.
Thiếu sự đồng thuận của phụ huynh và của cả xã hội thì một chủ trương tốt đẹp mấy khi bước vào GD cũng đầy gian nan. Thông tư 30 cần điều chỉnh, đương nhiên rồi, nhưng cũng phải nói thật, ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bậc cha mẹ “quan tâm” tới việc học của con theo cái cách của những người sống ở thế kỷ trước. Xã hội cũng không ngoại lệ: Vẫn bằng cấp, điểm số, học hàm học vị… Còn năng lực ư? Xét sau nhé!
4. Chưa phù hợp.
Không phải cô Tây nào mặc áo dài cũng đẹp và ngược lại, không phải cô gái Việt Nam nào mặc quần bò Levis cũng xinh. Với chừng 20 học sinh/lớp như ở nước ngoài thì triển khai Thông tư 30 có lẽ không khó lắm.
Nhưng ở các thành phố lớn tại Việt Nam, số học sinh/lớp luôn hơn gấp đôi, lại bị tâm lý đua tranh, hơn thua, thành tích hão (của cả phụ huynh và nhà trường) đè nặng thì sao làm nổi? Cái sự cập kênh này cũng làm khó cho GD lắm!./.