Dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc: Còn nhiều bất cập
VOV.VN -Con em đồng bào các dân tộc rất phấn khởi theo học, nhưng việc tổ chức lớp học ở một số nơi chưa thực sự bài bản.
Nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết và thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, bắt đầu từ năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã đưa môn học tiếng mẹ đẻ của một số dân tộc vào nhà trường.
Hào hứng với tiếng mẹ đẻ
Tiết học tiếng Jarai lớp 5A, trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum diễn ra trong không khí sôi nổi. Trong khi học các môn khác, học sinh dân tộc Jarai còn rụt rè, thiếu tự tin, nhưng khi học tiếng mẹ đẻ của mình thì các em hào hứng, sôi nổi hẳn lên. Biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình là niềm tự hào đối với mỗi học sinh.
Em Y Phan ở làng Bình Loong cho biết: “Ở nhà em có bố mẹ và chị không biết đọc tiếng Jarai. Khi được học tiếng Jarai em rất vui, bố mẹ cũng rất vui. Bố bảo em cố gắng học thật tốt tiếng Jarai của ông bà”.
Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thực hiện việc dạy học tiếng Jarai và Ba Na tại các huyện: Kon Rẫy, Sa Thầy và thành phố Kon Tum. Trong đó 10 trường dạy tiếng Ba Na, 5 trường dạy tiếng Jarai, với 50 lớp, trên 1.000 học sinh. Việc tổ chức dạy tiếng Ba Na và Jarai nhận được sự đồng tình ủng hộ của học sinh, nhà trường, đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Anh A Gô (dân tộc Jarai) ở làng Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: “Chúng tôi chỉ biết nói, không biết chữ viết cho nên đời sống văn hóa bị mai một. Nhưng hôm nay khi có chữ viết, có môn học tiếng Jarai thì đó là sự bảo tồn tất cả những giá trị về tất cả văn hóa nên chúng tôi rất ủng hộ”.
Đối với ngành Giáo dục, việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy không chỉ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, mà còn hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác. Thầy Nguyễn Trọng Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cho biết, trường có 460 học sinh, tất cả đều là dân tộc Ba Na đã được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.
“Việc đưa tiếng Ba Na vào nhà trường là niềm vui của học sinh, vì là tiếng mẹ đẻ các em nói rất thông dụng rồi, tuy nhiên chữ viết không có. Sau khi học tiếng Ba Na, các em vừa nói, vừa viết được. Tiếng Ba Na là công cụ hỗ trợ tích cực các bộ môn khác. Giáo viên đôi khi giảng dạy nói tiếng Việt các em không hiểu hết ý. Thông qua tiếng Ba Na dạng như song ngữ làm cho các em nắm vững kiến thức hơn. Tôi thấy các cháu hoạt bát hơn, tự tin trong học tập hơn”.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, ông Phan Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, bộ môn tiếng Ê Đê cũng đã được địa phương đưa vào giảng dạy hơn 10 năm nay và mang lại hiệu quả rõ rệt. Khi các em học thêm tiếng mẹ đẻ, cũng là cách hỗ trợ các em có thể tiếp thu vốn ngôn ngữ phổ thông cũng như kiến thức các bộ môn văn hoá trong nhà trường được thuận lợi hơn.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy tiếng dân tộc ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên cơ hữu còn rất thiếu. Ví dụ như trường Tiểu học Y Jut ở phường Tân Lập, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có gần 300 học sinh dân tộc Ê Đê, chiếm 1/3 học sinh toàn trường, nhưng không có giáo viên cơ hữu. Nhà trường thuê một giáo viên ở ngoài vào dạy được một năm rồi nghỉ, lại phải hợp đồng với giáo viên khác.
Ông Bùi Xuân Thạch, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Y Jut cho biết: “Giáo viên cứ mỗi năm lại thay đổi, bởi họ chưa có kinh nghiệm. Nếu giáo viên đã dạy rồi, họ đã biết được em nào học như thế nào để năm sau sẽ phụ đạo thêm những phần còn yếu. Nhưng giáo viên mới thì còn phải mất thời gian làm quen mới cập nhật được trình độ học sinh. Học sinh thì nhiều khi mới quen cô, mến cô xong thì cô lại chia tay, cho nên chất lượng dạy và học không được đảm bảo”.
Cũng vì thiếu giáo viên, nên bộ môn tiếng Ê Đê ở Đắk Lắk cũng trễ hơn so với các môn khác nửa tháng. Mặc dù đã có giáo trình mới, nhưng việc cấp sách giáo khoa bộ môn tiếng Ê Đê chậm trễ nên trong một tháng đầu, các trường vẫn dạy theo chương trình thực nghiệm cũ. Đến nay, sách giáo khoa bộ môn này cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của học sinh, 2 đến 3 em phải sử dụng chung một bộ.
Bộ môn tiếng Ba Na và Jarai ở Kon Tum hay Ê Đê ở Đắk Lắk đều được bố trí một buổi dạy trong tuần. Bà Phạm Thị Chinh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho biết: Việc tuyển dụng giáo viên cơ hữu gặp nhiều khó khăn, trong khi hợp đồng bên ngoài thì trả thù lao thấp, chỉ 25.000 đến 30.000 đồng/1 tiết, khiến giáo viên không gắn bó.
Tình trạng thiếu giáo viên bộ môn tiếng dân tộc đang là nỗi lo chung của các tỉnh ở Tây Nguyên khi triển khai chương trình này. Năm nay, tỉnh Đắk Lắk có 100 trường trường tiểu học với gần 15.000 học sinh học tiếng Ê Đê, nhưng chỉ có 126 giáo viên bộ môn này. Còn ở tỉnh Kon Tum, có 15 trường dạy tiếng Ba Na và Jarai, với 50 lớp, gần 1.000 học, nhưng chỉ có 23 giáo viên.
Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo Đắk Lắk và Kon Tum cần có giải pháp tuyển dụng và bố trí giáo viên đảm nhiệm bộ môn tiếng dân tộc một cách bài bản, hợp lý, nhằm thực hiện tốt chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương./.