ĐBQH: Trừng trị thích đáng những cán bộ cấu kết nâng điểm thi cho con
VOV.VN -Các ĐBQH cho rằng, hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng, phải trừng trị thích đáng để ngăn chặn hậu quả, tạo công bằng xã hội.
Vụ việc gian lận thi cử ở một số địa phương trong kỳ thi THPT 2018 tiếp tục khiến dư luận xôn xao, bức xúc khi mới đây một danh sách các vị phụ huynh có con em được nâng điểm đều là các cán bộ sở, ngành ở Sơn La được công bố.
Trả lời VTC News, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp) bày tỏ, câu chuyện gian lận trong điểm thi của Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang khiến dư luận bất bình và bức xúc trong một thời gian dài.
Những trường hợp gian lận điểm thi đều là thí sinh của các trường trọng điểm quốc gia càng khiến dư luận bất bình.
Điều này ảnh hưởng đến điểm thi, đến kết quả của các thí sinh học thật, thi thật mà không được vào những trường như ý muốn và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của Bộ GD-ĐT.
“Vấn đề nâng điểm thi chỉ xảy ra ở những con em của các cán bộ có chức có quyền ở địa phương rõ ràng là sự bất bình đẳng, bất hợp lý, bất công trong xã hội.
"Con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa lại quét lá đa", chỉ con quan mới được nâng điểm thi, mới gian lận trong thi cử, còn người dân thì họ đâu có biết ai với ai đâu để mà móc nối, câu kết để nâng điểm thi cho con em họ”, ông Hòa nói.
Tôi rất đồng tình với việc công khai, công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua và đồng thời cũng phải nêu luôn những thí sinh đó là con em của ai, làm gì, ở đâu, như thế nào?- ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, đối với những người tạo ra hành lang, cơ sở để gian lận trong thi cử thì dù là bất cứ ai, dù ở cương vị nào cũng cần thiết phải bị xử lý thích đáng, để người dân thấy được sự bình đẳng, công tâm, công bằng.
“Không thể nào chấp nhận con em những người cán bộ thì được, còn con em những người dân thường lại không được, việc đó dẫn đến những hệ lụy, hệ quả hết sức nguy hiểm về lâu về dài, tạo sự bất bình đẳng trong quần chúng nhân dân”, ông Hòa nói.
Cũng theo Đại biểu Hòa, ngoài việc công khai danh tính của những thí sinh, cơ quan chức năng cần công bố cả danh tính phụ huynh của các thí sinh gian lận để tạo sự công bằng và hài lòng của người dân.
“Tôi rất đồng tình với việc công khai, công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua và đồng thời cũng phải nêu luôn những thí sinh đó là con em của ai, làm gì, ở đâu, như thế nào? Phải làm như vậy chứ không thể nào giấu giếm để người dân cảm thấy bên trong đó có sự bất công, có sự bao che ai đó.
Tôi nghĩ rằng công khai danh tính cũng là để người dân biết là có sự công bằng và hài lòng trong việc đấu tranh phòng ngừa tiêu cực, đấu tranh phòng ngừa tham nhũng bất kể người đó là ai”, đại biểu Hòa bày tỏ.
Về việc xử lý đối với các vị phụ huynh cố ý móc nối với các đối tượng liên quan để nâng điểm thi cho con em mình, ông Hòa cho rằng cơ quan điều tra cần làm việc cụ thể và có biện pháp xử lý phù hợp, thích đáng.
“Lỗi của họ nằm ở khoản nào, ở đâu, là do họ hay là do người khác? Ai là người trực tiếp, ai gián tiếp, ai là cộng sự, tiếp tay... tôi nghĩ rằng cơ quan điều tra họ sẽ phải làm rõ vấn đề”, ông Hòa nói.
Với bản thân các thí sinh được nâng điểm, ông Hòa cho rằng các thí sinh cũng phải có trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, các thí sinh này có phải chịu trách nhiệm trực tiếp hay không phải làm rõ một cách công bằng, khách quan, vô tư và công tâm, không làm oan sai cho những thí sính.
“Thực tế có thể có những thí sinh rất vô tư, phụ huynh ầm thầm cấu kết với những người khác để nâng điểm.
Còn có những thí sinh lực học yếu thì làm gì mà không biết mình được nâng điểm, có những bài điểm 0 mà được nâng lên đến 9 điểm thì chắc chắn những thí sinh này phải biết trước rồi. Lực học của mình ra sao bản thân của các thí sinh và ngay cả bạn bè của các thí sinh đó cũng sẽ biết rõ.
Tôi nghĩ rằng các em thí sinh cũng phải có trách nhiệm liên đới, nhưng cụ thể như thế nào, ra sao thì phải chờ cơ quan điều tra”, ông Hòa cho hay.
Đồng quan điểm với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) nhấn mạnh, hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng và phải trừng trị thích đáng.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng vụ việc gian lận này không chỉ đơn thuần là những vi phạm các quy định về giáo dục, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Những cán bộ công chức được xác định chạy nâng điểm cho con ngoài các chế tài khác còn bị chi phối, xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Ông Vân phân tích có 3 nhóm đối tượng liên quan đến hành vi gian dối trong thi cử bao gồm: những người cố ý làm trái quy định về thi cử (cán bộ coi thi, chấm thi ngành giáo dục, những người làm công tác bảo vệ an toàn thi cử…); nhóm thực hiện hành vi hối lộ hoặc chi phối bằng tiền, bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình để tác động tạo ra sự sai lệch trong đánh giá chất lượng, kết quả thi cử và cuối cùng là những người hưởng thụ kết quả gian dối từ thi cử (dù vô tình hay cố ý).
Trong 3 nhóm này, ông Vân đặc biệt nhấn mạnh nhóm đối tượng thứ nhất và thứ hai nhất định phải trừng trị bằng pháp luật để làm gương, ngăn chặn hậu quả sau này.
“Ngoài xử lý theo các quy định của pháp luật, phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, bêu gương trước xã hội. Nếu điều tra xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật”, ông Vân cho hay.
Đối với nhóm thứ ba là những học sinh vô tình hay cố ý được hưởng thụ kết quả sai lệch thi cử, ông Vân cũng cho rằng cần xem xét kỹ, phải thuyết phục và vẫn phải có những chế tài về giáo dục với các em này.
Nhìn nhận về vụ việc, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài, bởi nó cung cấp đầu vào cho quá trình đào tạo và đầu ra cho sử dụng nhân sự phục vụ cho Nhà nước và xã hội. Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hoá nền giáo dục.
Đặc biệt, theo ông Vân, từ việc gian dối sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, chi phối những hành vi đúng đắn trong xã hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho biết bản thân đã trực tiếp trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và cho rằng Ủy ban này phải làm việc, vào cuộc xử lý vấn đề trên./.
Cuộc đua của những “siêu nhân” và con điểm 10 “bất an”?
Hậu gian lận điểm thi, nhiều thí sinh từ “đỉnh cao” xuống “vực sâu“
Vụ gian lận điểm thi: Nhiều cán bộ có chức vụ ’mua’ điểm cho con