Đề thi Lịch sử có kiến thức phổ rộng, môn Địa lý dễ gây nhầm lẫn
VOV.VN -Giáo viên Lịch sử nhận xét, nội dung đề thi Lịch sử có kiến thức phổ rộng và tương đối khó. Đề Địa lý có một số đáp án còn dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh.
Sáng 27/6, thí sinh dự thi THPT Quốc gia tiếp tục làm bài thi Khoa học xã hội theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Khoa học xã hội gồm 3 môn thành phần là: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thí sinh sẽ làm từng môn thi với thời gian 50 phút. Đây cũng là bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Sau khi kết thúc thời gian làm bài thi Khoa học xã hội, cô Lê Thu, giáo viên trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội nhận xét, đề thi bao gồm 40 câu bao phủ kiến thức lớp 11 và 12.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 |
Phần lịch sử thế giới lớp 11 gồm 2 câu bám sát vào nội dung, sự kiện lịch sử tiêu biểu tác động đến tình hình thế giới trong giai đoạn từ thế kỉ XIX đến năm 1945 như: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).
Lịch sử Việt Nam lớp 11 gồm 6 câu đi sâu vào quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1858 – 1884) song song với đó là quá trình kháng chiến chống lại sự xâm lược thực dân Pháp của nhân dân. Một trong những nội dung trọng tâm mà đề thi không bỏ qua là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam và quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Nhìn chung, 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK, câu hỏi dừng lại ở mức độ vận dụng kiến thức.
Phần lịch sử lớp 12 giống như đề thi THPT Quốc gia năm 2017, phần kiến thức lớp 12 trong đề thi THPT quốc gia năm 2018 bám sát những vấn đề tiêu biểu của Lịch sử thế giới hiện đại (1945 – 2000) và Lịch sử Việt Nam (1919 – 2000). Trong đó, phần Lịch sử thế giới (1945-2000) chiếm 10 câu, đi sâu vào những sự kiện, nội dung tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế: quan hệ quốc tế (Liên Xô và Mỹ, Chiến tranh lạnh), ASEAN. Vấn đề Chiến tranh lạnh chiến tới 4/10 câu. Chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp Quốc đều chiếm số lượng nhỏ câu hỏi trong đề thi.
Cô Lê Thu cho biết, phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 12 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó trọng tâm nhất vẫn là giai đoạn 1945 – 1975 tương ứng với những phần kiến thức có nhiều vấn đề liên quan đến các chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp: chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ …và các chiến lược chiến tranh của Mỹ và cuộc chiến đấu của nhân dân ta.
Một số câu hỏi mang tính phân hóa yêu cầu nhận xét chung về đặc điểm từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 1945 – 1975 và 1954 – 1975. Giai đoạn 1975 – 2000 chỉ chiếm 2 câu trong đề thi, đều đề cập về công cuộc đổi mới. Mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào phần kiến thức này, yêu cầu học sinh cần bình tĩnh, huy động mọi kiến thức đã có để tìm ra đáp án chính xác nhất.
Thí sinh xem lại đề thi
Theo cô Lê Thu, đề thi THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2018 được xây dựng theo ma trận đề hợp lý, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm nhất. Nội dung kiến thức phổ rộng và tương đối khó hơn với học sinh so với đề thi môn Lịch sử năm 2017.
Đề thi Địa lý có một số đáp án trả lời dễ gây nhầm lẫn
Đối với đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, nội dung đề thi bao gồm kiến thức Địa lí lớp 11 và Địa lí lớp 12 và thực hành kĩ năng Địa lí. Trong đó phần kiến thức Địa lí lớp 11 chiếm 15%, 6 câu/40 câu trắc nghiệm. Phần kiến thức Địa lí lớp 12 chiếm 47,5%, 19 câu/40 câu trắc nghiệm. Thực hành: 15 câu thực hành, trong đó sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam 11 câu, biểu đồ và bảng số liệu 4 câu, chiếm 37,5% số câu.
Phạm vi: Lý thuyết: 25 câu trắc nghiệm, thuộc các chủ đề: Địa lí tự nhiên Việt Nam (2 câu), Địa lí dân cư Việt Nam (1 câu), Địa lí ngành kinh tế (7 câu), Địa lí vùng kinh tế (9 câu), Địa lí khu vực và quốc gia (6 câu)
Thực hành: 15 câu trắc nghiệm với các kĩ năng cơ bản như kĩ năng phân tích, nhận xét, xử lí bảng số liệu, biểu đồ, kĩ năng nhận diện biểu đồ, kĩ năng khai thác và dụng Atlat Địa lí Việt Nam
Đề thi gồm 4 mức độ : nhận biết 18 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng thấp 6 câu, vận dụng cao 4 câu. Học sinh thi chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT quốc gia có thể làm được khoảng 5,5 điểm. Học sinh khá, giỏi có thể đạt từ trên 8 điểm đến 9 điểm.
Theo thầy Vũ Hải Nam, nội dung đề thi bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT, phạm vi phủ rộng khắp các chuyên đề theo đề thi minh họa của Bộ. Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kĩ năng Địa lí. Tuy nhiên đề có độ khó cao hơn đề minh họa Bộ đã công bố.
Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Mức độ khó có tăng hơn so với đề năm 2017.
Các câu hỏi cuối của đề thi yêu cầu thí sinh cần đọc kĩ câu hỏi mới có thể đưa ra được phương án trả lời đúng nhất. Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với năm 2017.
Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, học lấy điểm xét đại học cần làm tốt các câu sau. Các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh cần có tư duy phản biện và hiểu rất rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nội dung vẫn không nằm ngoài chương trình thi.
Nhìn chung, đề có sự phân hóa cao với các đối tượng học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh./.