Điểm chuẩn trường Sư phạm quá thấp: Cần xem lại chế độ lương giáo viên
VOV.VN - GS Phạm Minh Hạc cho rằng, cần có chính sách việc làm và cơ cấu lại hệ thống trường sư phạm thì mới có đội ngũ giáo viên giỏi trong tương lai...
Các trường ĐH sư phạm vừa công bố điểm chuẩn cho từng ngành nghề. Điều đáng chú ý là năm nay, một số trường lấy điểm chuẩn rất thấp chỉ bằng điểm sàn ĐH (15,5 điểm). Hệ Cao đẳng thông báo lấy thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn thi.
Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân (GS.VS.NGND) Phạm Minh Hạc phân tích thực trạng trên và đề xuất hướng phát triển các trường ĐH sư phạm.
Chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh có thể vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh |
PV: Trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm đang có xu hướng thấp dần. Đặc biệt là năm nay, điểm chuẩn vào một số khoa của một số trường cao đẳng chưa đến 10 điểm/3 môn. GS đánh giá như thế nào về thực trạng này?
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc: Nhìn lại lịch sử phát triển của trường CĐ Sư phạm từ năm 1917 cho thấy toàn là những người ưu tú vào đây học. Nhiều năm liền và sau Nghị quyết Trung ương 2 năm 1996, ĐH Sư phạm Hà Nội và một số trường khác đã từng thu hút được nhiều học sinh xuất sắc, đạt số điểm cao hay thậm chí tuyệt đối cho cả 3 môn thi vào đây học.
Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp dần. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là sinh viên tốt nghiệp khó xin được việc làm và thu nhập cao.
Chính phủ đã có nhiều chính sách để thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm như: Miễn giảm học phí, có chế độ đãi ngộ, tăng lương, thâm niên công tác cho giáo viên. Tuy nhiên, so với cuộc sống hiện nay, chính sách và sự khuyến khích đó chưa thấm được bao nhiêu.
Sinh viên hiện nay không còn quan tâm nhiều đến việc miễn giảm học phí nữa mà điều họ quan tâm là có được việc làm với thu nhập cao sau khi tốt nghiệp.
Nếu vấn đề này chưa được được đặt ra một cách cấp bách và khẩn thiết thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ không có được đội ngũ giáo viên giỏi, tận tâm với nghề để đáp ứng được sự đổi mới, phát triển của đất nước cũng như đào tạo thế hệ trẻ...
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho rằng, cần coi giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm và tăng thu nhập cho giáo viên là vấn đề cấp bách để thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm |
PV: Thưa GS, vấn đề thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm cũng được đặt ra cùng với nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường Sư phạm. Được biết, Bộ GD-ĐT đang cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống các trường Sư phạm. Theo GS, việc sắp xếp đó nên thực hiện như thế nào?
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc: Trong những năm gần đây, hệ thống các trường sư phạm có sự thay đổi. Số trường ĐH, CĐ chuyên đào tạo về sư phạm còn lại không nhiều nhưng nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm đang trở thành trường đào tạo đa ngành (trong đó có khoa sư phạm).
Khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục được đặt ra thì vấn đề chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên nổi lên rõ rệt.
Vấn đề trường ĐH, CĐ sư phạm đang trở thành trường đa ngành, mà trong đó Sư phạm chỉ còn là một khoa cũng là phương hướng phát triển giáo dục của một số nước. Tuy nhiên, có những trường chuyên đào tạo giáo viên từ cấp Mầm non đến ĐH, nghiên cứu khoa học về sư phạm như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm TP HCM... phải là những cơ sở đào tạo hạt nhân, nòng cốt cho sự phát triển hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta.
Trong khi cơ cấu, sắp xếp lại các trường ĐH Sư phạm thì các trường sẽ gặp phải một số khó khăn. Bởi vì hiện nay, nhiều trường ĐH Sư phạm đã chuyển sang đào tạo đa ngành thì mới thu hút được học sinh ở địa phương và khu vực theo học nhiều ngành nghề.
Nếu bây giờ cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm có thể ảnh hưởng đến thu nhập của cơ sở giáo dục sư phạm cũng như giáo viên. Vì vậy, trước khi cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm thì cũng phải xem xét lại chế độ lương và phụ cấp ngành nghề cho giáo viên cũng như việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Để cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống của các trường ĐH Sư phạm thì cũng phải xem xét lại việc một số trường trực thuộc các tỉnh, thành quản lý; số lượng khác lại trực thuộc Bộ GD-ĐT. Việc làm này nhằm tránh việc quản lý Nhà nước trở nên phức tạp, chồng chéo...
PV: Xin cảm ơn GS!/.
Những bất cập trong xét tuyển đại học năm 2017 hiện lên rất rõ
ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định không sai trong cách tính điểm trúng tuyển
Ngành sư phạm: Vênh giữa nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo