Điểm mới trong tích hợp các môn học ở cấp THCS
VOV.VN -Điểm mới trong tích hợp các môn học ở cấp THCS là tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và tích hợp giữa môn Lịch sử và Địa lý.
Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ những băn khoăn của cử tri về 2 môn học theo hướng tích hợp trong chương trình sách giáo khoa sẽ được triển khai trong thời gian tới đây.
Đại biểu Dương Minh Ánh |
Đại biểu đề nghị làm rõ, liệu việc thực hiện nội dung đổi mới này có giảm tải được lượng kiến thức, hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên, học sinh.
Bộ GD-ĐT đã triển khai đào tạo giáo viên như thế nào để đáp ứng yêu cầu của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới hoặc tính đến bất cập khi triển khai tại các trường hay chưa?.
"Cử tri mong muốn Bộ trưởng và Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành chương trình, sách giáo khoa mới bởi vấn đề này ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên, học sinh và tương lai của đất nước" - Đại biểu Minh Ánh nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 404 của Chính phủ yêu cầu phải tích hợp cao ở cấp học dưới và phân hóa dần ở cấp học trên. Đây cũng là xu hướng của nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tích hợp có nhiều mức, trong đó tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau là mức tích hợp cao nhất. Số môn học được tích hợp ở Tiểu học tương đối nhiều nhưng ở cấp THCS có 2 môn: Tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và tích hợp giữa môn Lịch sử và Địa lý.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn |
Môn Khoa học tự nhiên có 4 chủ đề: Chất và biến đổi chất (thiên về kiến thức khoa học); Năng lượng và sự biến đổi (thiên về kiến thức Vật lý); Vật sống (thiên về kiến thức Sinh học); Trái đất và bầu trời (thiên về kiến thức Vật lý và một phần kiến thức về Sinh học). Cấu trúc tích hợp này cũng giống như là việc tích hợp các môn ở nhiều nước trên thế giới.
Môn Lịch sử và Địa lý có 2 phân môn. Mỗi phân môn cũng có tính đặc trưng của từng môn học. Tuy nhiên, môn Lịch sử và Địa lý cũng có những kiến thức chung, nên cấu trúc thành 5 chủ đề bổ trợ cho nhau.
Theo Nghị quyết 113 của Quốc hội, tích hợp Lịch sử và Địa lý vẫn lấy tên môn học là Lịch sử.
Ở cấp Tiểu học, tích hợp môn Lịch sử và Địa lý không có gì là xa lạ nhưng ở cấp THCS thì gặp vướng mắc là vấn đề giáo viên.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ có tính toán, môn tích hợp cấu phần thì giáo viên chuyên sâu môn nào dạy môn đó và phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng theo lộ trình thì còn 6-7 năm nữa nên đủ thời gian bồi dưỡng giáo viên.
Trong số giáo viên có điều kiện và nhu cầu thì học thêm chuyên đề, hợp phần môn khác nên dần từng bước có thể tiến tới dạy được cả 2 môn.
Bộ GD-ĐT cũng hướng tới đào tạo giáo viên dạy được cả 3 môn. Quỹ thời gian còn dài nên có thể thực hiện được việc này.
Về giảm tải, không phải chỉ ở cấu trúc môn học mà phụ thuộc cấu trúc chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên. Bộ GD-ĐT đang tính phương án triển khai theo hướng này và cho rằng có tính khả thi cao./.
Đại biểu Quốc hội: Không thể chấp nhận sinh viên bán dâm dù chỉ 1 lần
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Dự thảo có điểm sai cần sửa, kiên quyết sửa
Tích hợp môn Lịch sử: Bộ Giáo dục – đào tạo nói gì?