Tích hợp môn Lịch sử: Ghép nối, chắp vá tùy tiện là sai lầm lớn
VOV.VN -Môn Lịch sử không thể bị ghép nối, chắp vá một cách tùy tiện. Môn học này chỉ có thể đứng độc lập, không thể lồng ghép với môn học khác.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.
Tuy nhiên, ngay sau khi Dự thảo được đưa ra, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, môn học này có thể bị ghép nối, chắp vá một cách tùy tiện giữa các môn học với nhau.
Môn Lịch sử chỉ có thể đứng độc lập
Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, môn Lịch sử được hết sức coi trọng, được tích hợp ở bậc Tiểu học và được phân hóa một cách rõ rệt ở các bậc THCS và THPT, với tư cách là môn học độc lập, bắt buộc, trong tất cả các nhà trường từ phổ thông đến đại học.
Mỗi môn khoa học đều có vai trò quan trọng riêng của nó. Môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học cơ bản, mang tính đặc thù, giữ vị trí quyết định trong việc trang bị có hệ thống những tri thức nền tảng về lịch sử và văn hóa dân tộc, để từ đó tạo ra bản lĩnh và bản chất của con người Việt Nam có năng lực, sáng tạo và giàu lòng yêu nước.
Tích hợp là một nguyên tắc dạy học, là vấn đề rất quan trọng, nhưng không phải là sự gộp, ghép, làm một phép cộng đơn giản và tuỳ tiện nhiều môn học khác nhau để tạo ra một môn học mới.
Tích hợp liên môn trong dạy học Lịch sử là tích hợp những đơn vị kiến thức vốn thuộc về khoa học lịch sử nhưng lại cần cho các môn học khác, để bớt đi thời lượng của các môn khác, tạo điều kiện để các môn khác hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
PGS.TS Vũ Quang Hiển |
PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bản thân môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học độc lập có những nội dung góp phần giáo dục ý thức của công dân với Tổ quốc và rộng hơn là với nhân loại, nên có thể tích hợp vấn đề này vào môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn Lịch sử còn nhiều nội dung khoa học khác nhau, nên nó không thể bị tích hợp vào bất cứ môn học nào, mà chỉ có thể đứng độc lập. Đưa môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là không đúng nghĩa về “tích hợp” liên môn.
Sự chọn lựa một số kiến thức của một số môn (bao gồm cả Lịch sử) để gộp lại, tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc” thực chất chỉ là một phép cộng máy móc, khập khiễng và không tưởng, là sự khai tử môn Lịch sử một cách cố ý, là sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử.
Tích hợp trong dạy học Lịch sử là sự tổng hợp kiến thức có liên quan đến nhiều môn học khác trong môn Lịch sử. Lấy môn Lịch sử làm trụ cột để giải quyết các vấn đề lịch sử mà các môn học khác cần tới, chứ không thể chia các nội dung lịch sử ra để giải quyết trong các môn học khác và giải thích một cách thiển cận rằng “giáo dục lịch sử được tích hợp trong nhiều môn học khác nhau”.
Ông Vũ Quang Hiển nhấn mạnh: “Chúng ta không thể nói rằng, lịch sử có trong môn Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… Không thể “xé nát” môn Lịch sử ra để mỗi môn học giảng dạy một chút. Giáo dục Lịch sử có tính đặc thù, phải được tiến hành một cách hệ thống, được thực hiện bởi đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách chuyên nghiệp, với những phương pháp dạy học đặc trưng, chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể giảng dạy được môn học này”.
Giáo dục Lịch sử một cách có hệ thống trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ của chính môn Lịch sử, chứ không phải nhiệm vụ của bất kỳ môn học nào khác. Mặc dù một số môn học có thể góp phần giáo dục lịch sử trên một số chiều cạnh mà môn học đó cần khai thác bằng những phương pháp riêng, nhưng không thể làm chức năng giáo dục lịch sử một cách có hệ thống và đồng bộ.
Khi học sinh lên bậc học cao thì kiến thức về môn Lịch sử vẫn phải được giảng dạy một cách cơ bản, khoa học và hệ thống, khách quan và toàn diện, trên cơ sở cung cấp những tư liệu gốc để người học nhận thức đúng sự thật lịch sử.
Coi nhẹ môn Lịch sử là hết sức sai lầm. Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông có hiện tượng ghép môn Lịch sử và một số môn khác để tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc”, hoặc chia kiến thức môn Lịch sử ra để giải quyết trong những môn học khác nhau, thực hiện cái gọi là “tích hợp giáo dục lịch sử trong nhiều môn khác”. Cả hai cách làm đó đều không có cơ sở khoa học, chỉ là sản phẩm duy ý chí chủ quan. Hiện không có một quốc gia nào trên thế giới làm như vậy.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu, có nhiều sự kiện lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, đã và đang bị xuyên tạc có chủ đích xấu, làm lung lạc tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên và cả một số người lớn. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng, nếu coi nhẹ vai trò môn Lịch sử, và nuôi ảo tưởng dùng những môn học khác thay thế môn Lịch sử giải quyết các vấn đề đó.
Ở hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục tiên tiến, môn Lịch sử được coi là môn phải học và thi bắt buộc từ bậc phổ thông cho đến đại học. Có những nước từng coi nhẹ môn Lịch sử (như Canada) nhưng rồi lại phải trở lại giáo dục bắt buộc môn học này với tư cách một môn độc lập cho học sinh ở bậc phổ thông. Một người nước ngoài muốn nhập quốc tịch vào Canada thì phải thi môn Lịch sử Canada.
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến tích hợp nội dung lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, và phải trình Hội đồng Giáo dục quốc gia quyết định và thông qua.
Coi nhẹ môn Lịch sử: Chúng ta sẽ mất mát rất nhiều thứ
Là người nghiên cứu lịch sử lâu năm, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kịch liệt phản đối việc xóa bỏ môn Lịch sử, kể cả việc cắt xén từng bộ phận và lồng ghép tùy tiện vào các môn học khác từ cấp trung học cơ sở.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê |
Một ít kiến thức môn Lịch sử có được cắt nhỏ và lồng ghép vào môn học khác thì còn đâu là môn học với tính hệ thống và yêu cầu giáo dục kỹ năng, năng lực và phẩm chất của môn khoa học này. Nhiều người đã phân tích những hậu quả khó lường khi lớp trẻ lớn lên trở thành công dân, tham gian xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay mà chỉ biết lờ mờ hay mù tịt về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước của Tổ tiên, về các giá trị truyền thống đã tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc.
Môn Lịch sử là một môn khoa học nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò cơ sở trong bồi dưỡng kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, giáo dục phẩm chất và bản lĩnh con người. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn Lịch sử là môn học cơ bản và bắt buộc trong suốt quá trình giáo dục phổ thông, dĩ nhiên với thiết kế khác nhau ở các cấp học và cũng có tính đa dạng giữa các quốc gia. Có thể nói một cách tổng quát rằng, có lịch sử, có văn hóa là có sự trường tồn của dân tộc, tạo nên nội lực để vượt qua mọi thách thức, mất lịch sử và văn hóa là có nguy cơ suy yếu và bại vong trước các mối đe dọa của ngoại bang.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, tích hợp là một xu hướng của giáo dục hiện đại, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học của những môn học liên quan về nội dung, gần gũi về cơ sở khoa học. Tích hợp tuyệt đối không phải là sự gán ghép tùy tiện, đem một ít nội dung của môn học này lồng ghép vào một môn học bất kỳ nào đó. Giáo dục An ninh-quốc phòng đã được qui định trong Luật An ninh-quốc phòng, trong đó có một số nội dung lịch sử như truyền thống chống ngọai xâm, nghệ thuật quân sự.
An ninh-quốc phòng và giáo dục công dân là những môn học mang nặng yêu cầu giáo dục chính trị của thời hiện đại. Trong lúc đó, Lịch sử là một môn khoa học về cội nguồn, về quá trình lịch sử từ thời xa xưa, qua thời cổ đại, trung đại, cận đại đến thời hiện đại với hệ thống lý luận và phương pháp luận hoàn toàn khác. Lắp ghép một ít nội dung lịch sử rồi cho là môn Lịch sử đã được tích hợp và là môn học bắt buộc cho đến trung học phổ thông là cách giải thích không trung thực và là một môn tích hợp hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Từ nhiều năm nay, chất lượng giảng dạy-học tập môn Lịch sử luôn bị đánh giá là còn nhiều bất cập, yếu kém. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, môn Lịch sử chỉ được coi là môn tự chọn nên việc dạy và học môn học này càng trở nên đáng báo động.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Có thể nói, Bộ GD-ĐT đã có những việc làm thiết thực để đổi mới, cải cách chương trình, phương thức giảng dạy-học tập môn Lịch sử. Tuy nhiên, cách thức đưa nội dung môn Lịch sử vào tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc” còn chưa thỏa đáng, cần phải xem xét lại.
Về mặt pháp luật, bộ môn Quốc phòng-An ninh đã được quy định trong một bộ luật riêng. Chúng ta muốn bỏ nó đi hay tích hợp vào môn học khác thì trước hết phải thực hiện theo đúng luật. Cho dù Nghị quyết là định hướng nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng pháp luật.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Lịch sử là môn nằm trong hệ thống giáo dục từ lâu, nay muốn thay đổi thì cũng phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, huống hồ khi tích hợp nội dung môn học này vào môn “Công dân với Tổ quốc” trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” mà Bộ GD-ĐT lại chưa có sự trao đổi, trưng cầu ý kiến của giới nghiên cứu Sử học cho đến khi có hội thảo giữa hai bên diễn ra ngày 3/11.
“Đưa ra Dự thảo nhưng Bộ GD-ĐT lý giải cách thức tích hợp môn Lịch sử không có sức thuyết phục và giải thích cho việc thay thế môn học này bằng môn học khác cũng không cụ thể, rõ ràng. Nếu đưa môn Lịch sử vào tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc” mà chưa nghiên cứu thận trọng thì môn Lịch sử càng không được giới trẻ coi trọng và việc học sử có thể trở nên thảm hại hơn” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ là nhà nghiên cứu, Nhà sử học Dương Trung Quốc không đưa ra quan điểm là môn Lịch sử phải hơn hẳn các môn học khác nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, tăng cường nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ thì môn Lịch sử càng phải được đặt ở vị trí quan trọng. Nếu coi nhẹ môn học này thì trong tương lai chúng ta sẽ mất mát rất nhiều thứ không thể lường hết được.
“Ngành Giáo dục đừng biến học sinh thành những người “thử nghiệm” cho những đổi mới không có căn cứ thuyết phục như việc đưa nội dung môn Lịch sử vào tích hợp với môn Công dân với Tổ quốc. Nếu việc “thử nghiệm” không đạt kết quả thì chúng ta chắc chắn phải điều chỉnh lại nhưng người học sẽ phải chịu thiệt thòi nhất” – Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm./.