GS Phan Huy Lê: Phải trả lại đúng vị thế của môn Lịch sử
VOV.VN - Theo GS Phan Huy Lê: Phải trả lại đúng vị thế của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là môn học khoa học độc lập.
Sáng nay (15/11), tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông.
Tham dự hội thảo có đông đảo giáo viên, chuyên gia về môn Lịch sử, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Tại hội thảo, sau khi Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các vấn đề chính liên quan đến giáo dục Lịch sử và môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, các đại biểu cho rằng, việc tích hợp môn học này ở cấp tiểu học là phù hợp với xu thế chung.
Tuy nhiên, ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, môn Lịch sử vẫn chia nhỏ nội dung, tích hợp với các môn học khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông.
Hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông |
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, môn lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay dù có nhiều mặt hạn chế cần phải khắc phục nhưng đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo các thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Cần phải trả lại đúng vị thế của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là môn học khoa học độc lập.
“Chúng ta không thể đưa ra một vài lý do như là môn Lịch sử thấy bóng dáng môn này môn kia suốt từ cấp tiểu học cho đến cấp trung học để nói rằng môn Lịch sử không những được duy trì mà còn được tôn vinh, số tiết dạy tăng lên. Chúng tôi nhìn nhận vị thế của môn Lịch sử không phải như vậy, mà tôi nhấn mạnh đây là một khoa học có tính hệ thống của nó và do đó tác dụng giáo dục toàn diện cũng có yêu cầu về kiến thức của nó. Chia nhỏ và đem một ít kiến thức Lịch sử nhập vào các môn, dù có tăng số giờ lên, nói cách nào thì nói vẫn là xóa bỏ môn Lịch sử với tính hệ thống và cơ sở khoa học của nó và tính giáo dục toàn diện của nó”, GS Phan Huy Lê nói.
Các nhà giáo và chuyên gia lịch sử cũng cho rằng, môn Lịch sử phải là môn học cơ bản, bắt buộc, có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Các môn học khác có bài học liên quan, hoặc gần với môn Lịch sử thì có thể tích hợp vào môn học này như tích hợp Lịch sử với Địa lý.
Vấn đề đặt ra hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cải cách toàn bộ hệ thống môn lịch sử trong giáo dục phổ thông chứ không phải xé lẻ môn Lịch sử để tích hợp với các môn học khác như dự thảo./.