Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo với Việt Nam
VOV.VN -Hungary sẽ tăng số sinh viên Việt Nam được đào tạo theo diện có học bổng là 100 sinh viên/năm”.
Chiều 27/11, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam-Hungaria lần thứ nhất. Đến dự Hội nghị có Ngài Ader Janos - Tổng thống nước Cộng hòa Hungary cùng đại diện lãnh đạo 16 trường đại học hàng đầu của nước này. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng đại diện của hơn 50 đại học.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định giáo dục-đào tạo “là quốc sách hàng đầu”, nên dành nhiều nguồn lực, đề ra nhiều cơ chế, chính sách để phát triển toàn diện sự nghiệp này và đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn; quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là bậc đại học và đào tạo nghề nghiệp; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên một cách rõ rệt; công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục có những bước tiến đáng khích lệ.
Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành trước hạn Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực xoá mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học. Đến tháng 12/2010, Việt Nam đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Trước yêu cầu đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, coi đây là khâu then chốt trong hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Để thực hiện thành công chiến lược và mục tiêu nhất quán này, cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn coi trọng và tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, tranh thủ tối đa sự hợp tác, ủng hộ của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, trong đó có cộng hòa Hungary.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 3/2/1950 đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hungary không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, y tế...
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ những năm chống Mỹ và cho đến trước những năm 1990, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, một số lượng người trong số này đã và đang giữ một số trọng trách trong các cơ quan, tổ chức. Từ năm 2011 đến nay, lãnh đạo Bộ Giáo dục hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm, trao đổi và thúc đẩy hợp tác đào tạo...
Hiện tại, Hungary đã dành cho Việt Nam nhiều các hỗ trợ trong đào tạo cán bộ, giảng viên về năng lượng nguyên tử, hàng năm cấp cho Việt Nam 50 suất học bổng theo học các ngành học ở tất cả các trình độ đào tạo mà Hungary có thế mạnh.
Bên cạnh triển khai hợp tác cấp Bộ, các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước cũng đã tích cực trao đổi, thiết lập quan hệ, hợp tác trên nhiều phương diện khác nhau.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, so với tiềm năng và nhu cầu của hai nước thì các kết quả hợp tác cụ thể của các trường đại học còn khá khiêm tốn. Vì vậy, Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam- Hungary lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm tạo tiền đề mở rộng quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học hai nước, góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả tinh thần, văn kiện Hợp tác đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục hai nước ký kết.
Cũng tại Hội nghị, Ngài Ader Janos, Tổng thống nước Cộng hòa Hungary khẳng định, trong quá khứ Hungary đã đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Hiện nay, có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hungary, trong đó có 218 sinh viên du học tự túc. Hàng năm, Hungary đào tạo 50 sinh viên Việt Nam theo diện học bổng Nhà nước. Tới đây, Hungary sẽ tăng số sinh viên Việt Nam được đào tạo theo diện học bổng là 100 sinh viên/năm.
Tổng thổng Ader Janos cũng nhấn mạnh, Hungary có thế mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo về công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản nên sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực này và sẵn sàng đón nhận sinh viên Việt Nam đến học tập.
Cũng trong chiều 27/11, trước sự chứng kiến của Tổng thổng Ader Janos và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Học viện Âm nhạc Liszt Hungary và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và trao đổi hàn lâm.
Ngày 28/11, Tổng thống Ader Janos sẽ gặp gỡ những người Việt Nam từng học tập ở Hungary./.