Lại bàn về gia đình và đạo hiếu

(VOV) - Chửi bới, hành hạ, ngược đãi, đánh đập cha mẹ, ông bà là hành vi chà đạp lên đạo lý truyền thống ngàn đời.

Đạo hiếu là bài học làm người đầu tiên. Gia đình là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của con người như hiếu, nghĩa, nhân.

Cuộc sống từ xa xưa cho tới hiện tại, có nhiều tấm gương hiếu thảo làm động lòng trời đất. Nhưng cũng thật đau lòng và căm phẫn khi gần đây, những vụ việc bất hiếu vô luân xuất hiện với tần suất ngày càng dày. Nếu nói là do sự nghiệt ngã của kinh tế thị trường thì dễ nghe, nhưng không hẳn là vậy và không chỉ có thế!

Đạo hiếu phải được sinh ra và nuôi dưỡng trong từng gia đình.

Tháng Ba thanh minh, tháng Bảy báo hiếu. Nhưng truyền thống tốt đẹp ấy càng ngày càng giống như ngọn cỏ run rẩy trước những luồng gió độc hại nghịch mùa, oằn nát dưới những gót giày vô cảm.

Lấy ví dụ riêng ở Hà Nội trong năm 2012. Tháng Ba, mọi người căm phẫn về trường hợp đôi vợ chồng già ngoài 80 tuổi ở huyện Quốc Oai bị 7 người con đẻ đùn đẩy nhau đuổi ra đường cùng với cỗ quan tài.

Tháng Bảy vừa rồi, ngay tại quận trung tâm Ba Đình là một cụ ông gần 90 tuổi vừa ra viện, bị con cháu vứt ở vỉa hè cả ngày, mặc cho trời mưa gió. Và còn nhiều vụ “chướng tai gai mắt” khác xảy ra trong cả nước với tần suất ngày càng dày đặc, không kể hết được.

Có trường hợp đau lòng là con cái hành hạ, đánh đập cha mẹ, quả thật là không còn tính người nữa. Đáng buồn hơn là trong số những kẻ đối xử tệ bạc với cha mẹ có cả người học vấn cao, chức tước không nhỏ.

Chưa có cơ quan chức năng nào thống kê xem trong 10% dân số, tức là khoảng 8,5 triệu người cao tuổi, có bao nhiêu người được hưởng hạnh phúc gia đình bên con cháu, bao nhiêu người bị con cháu đối xử tàn tệ?

Chỉ biết là 70% số họ không có tích luỹ về tài chính, 95% thường xuyên bệnh tật. Đành rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, mô hình gia đình ở nước ta có nhiều thay đổi.

Có nhà con cháu thay nhau nghỉ để chăm sóc cha mẹ ông bà, có nhà thuê người giúp việc. Không ít gia đình xảy ra xích mích nhỏ to trong trách nhiệm phụng dưỡng, song xích mích đến mức để xảy ra như những ví dụ vừa kể thì không thể chấp nhận được. Công luận lên án. Lương tri xã hội nhức nhối.

Đạo hiếu là bài học làm người đầu tiên. Gia đình là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của con người như hiếu, nghĩa, nhân. Cha mẹ sẵn sàng đánh đổi tuổi thọ của mình để con được thêm một ngày sống.

Có người cha, người mẹ nhịn ăn để nhường cơm cho con, có người bán máu để mua thuốc chữa bệnh cho con. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhưng đạo hiếu trước hết phải được sinh ra và nuôi dưỡng trong từng gia đình. Vậy nên, nếu nói là do sự nghiệt ngã của kinh tế thị trường thì dễ nghe, nhưng không chỉ có vậy.

Thói ích kỷ, thực dụng, lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân đâu phải đến thời kinh tế thị trường mới có. Cây cối được chăm bón tốt tươi có thể cho quả ngọt, nhưng cũng có thể cho quả đắng. Nhân dân ta gọi đó là sự thoái hóa, biến chất.

Chửi bới, hành hạ, ngược đãi, đánh đập cha mẹ ông bà là hành vi vừa chà đạp lên đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc, vừa vi phạm qui định của luật pháp. Nghiêm trọng hơn nhiều so với tai nạn giao thông, bởi sự gia tăng tần suất của những vụ việc bất hiếu vô luân là chỉ dấu mạnh mẽ nhất trong số những chỉ dấu mạnh mẽ về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Góp phần làm giảm tần suất những vụ việc đau lòng đến mức khó tin ấy có trách nhiệm trước hết của từng gia đình. Trợ giúp họ là cơ quan, đoàn thể, cộng đồng, xã hội... trước khi buộc phải sử dụng đến công cụ mạnh là luật pháp.

Bởi, một người hiếu thảo chưa hẳn đã là một công dân tốt, nhưng một kẻ bất hiếu vô luân thì chắc chắn không thể là công dân tốt. Trợ giúp cho mục tiêu ấy còn có vai trò quan trọng của công luận trong việc tạo nên tâm thế xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi bất hiếu vô luân.

Tháng Ba thanh minh, tháng Bảy báo hiếu. Hiếu thấu đến trời thì mưa gió thuận hoà, sự nghiệp hanh thông. Hiếu thấm mặt đất thì vạn vật tốt tươi, gia đình êm ấm. Hiếu thấm sâu vào lòng người thì phúc đẳng hà sa.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ghi tên cha mẹ vào CMND: Tiện thì có tiện, nhưng…
Ghi tên cha mẹ vào CMND: Tiện thì có tiện, nhưng…

Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc thêm thông tin của cha mẹ vào chứng minh nhân dân (CNMD) là không phù hợp, dẫn tới sự bất tiện trong việc sử dụng.

Ghi tên cha mẹ vào CMND: Tiện thì có tiện, nhưng…

Ghi tên cha mẹ vào CMND: Tiện thì có tiện, nhưng…

Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc thêm thông tin của cha mẹ vào chứng minh nhân dân (CNMD) là không phù hợp, dẫn tới sự bất tiện trong việc sử dụng.

Viết cho con trong ngày đầu vào lớp 1
Viết cho con trong ngày đầu vào lớp 1

(VOV) - Nghe nhiều phụ huynh kháo chuyện con mình đọc thông, viết thạo, tự nhiên mẹ lại cảm thấy có lỗi với con…

Viết cho con trong ngày đầu vào lớp 1

Viết cho con trong ngày đầu vào lớp 1

(VOV) - Nghe nhiều phụ huynh kháo chuyện con mình đọc thông, viết thạo, tự nhiên mẹ lại cảm thấy có lỗi với con…

Tội ác không thể dung thứ!
Tội ác không thể dung thứ!

Nên chăng, pháp luật cần phải có những biện pháp mạnh, thậm chí loại bỏ hoặc cách ly vĩnh viễn những con "yêu râu xanh" khỏi đời sống xã hội....

Tội ác không thể dung thứ!

Tội ác không thể dung thứ!

Nên chăng, pháp luật cần phải có những biện pháp mạnh, thậm chí loại bỏ hoặc cách ly vĩnh viễn những con "yêu râu xanh" khỏi đời sống xã hội....