Lương lãnh đạo tập đoàn cao dù làm ăn thua lỗ: Tại cơ chế?
VOV.VN-Quan hệ lương với giá trị lao động của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang là một bất đẳng thức, ở đó phần lớn hơn thuộc về lương.
Mức lương thực hưởng của lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố lại gây sốc dư luận. Chẳng hạn, một số đơn vị mà lương của lãnh đạo cao như Petrolimex, SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,… có mức lương tới gần 60 triệu đồng/người/tháng.
Lương cao tại… cơ chế?
Nhớ lại hồi tháng 5/2013, giới truyền thông loan tin về mức lương cơ bản của lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty… do Nhà nước làm chủ sở hữu, được quy định lên tới 36 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cơ bản này đã khiến hàng triệu dân Việt Nam, trong đó có cả các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp… phát thèm. Dư luận đòi hỏi sự công bằng tương xứng trong việc trả lương và hiệu quả lao động.
Dư luận có quyền đòi hỏi sự phù hợp giữa lương cao và hiệu quả lao động của người nhận lương |
Giờ thì mức lương thực hưởng được công bố còn chênh so với lương cơ bản tới khoảng 20 triệu đồng/người/tháng, dư luận thực sự sốc. Người ta sốc không chỉ vì mức chênh giữa cơ bản và thực hưởng, mà còn xót xa cho ngân sách nhà nước, bất cập chế độ tiền lương, tiêu tiền ngân sách và câu chuyện đãi ngộ nhân tài ở nước ta.
Bởi lẽ ra, lương cao thì cống hiến phải nhiều, hiệu quả công tác điều hành doanh nghiệp của các vị lãnh đạo đó phải tương xứng. Đằng này, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (Petrolimex lỗ 1.671 tỉ đồng, Cienco 8 lỗ 137,9 tỉ đồng, Vinacoin lỗ 19,8 tỉ đồng, Mipeco lỗ 17,1 tỉ đồng….) mà lãnh đạo của không đơn vị trong đó vẫn ung dung hưởng lương cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn, Petrolimex mặc dù báo cáo kinh doanh thua lỗ 1.671 tỉ đồng, nhưng Ban Lãnh đạo, Chủ tịch Tập đoàn cũng như hội đồng thành viên vẫn có mức lương từ 40 – 58 triệu đồng/người/tháng, trong khi mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại tập đoàn này đều ở mức trên 6 triệu đồng/người/tháng. Còn tại một số đơn vị khác như SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,…lương của lãnh đạo quản lý khối văn phòng có khi lên tới 56,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.
Rõ ràng, nếu tính về “thành tích” mà các vị lãnh đạo của Tập đoàn này mang về có thể nhìn thấy ngay là khoản lỗ tính bằng cả nghìn tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, bài toán cân đối giữa tiền lương với giá trị lao động của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đến nay vẫn chỉ là một bất đẳng thức.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 – KTNN, theo các quy định hiện hành thì riêng đối với Petrolimex, mặc dù tập đoàn này kinh doanh thua lỗ, nhưng do trong năm 2011 Petrolimex thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, vẫn được áp dụng đơn giá tiền lương theo quy định, thu nhập của lãnh đạo được phép không căn cứ vào kết quả kinh doanh.
Với lý giải này, các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đường hoàng thực hưởng lương rất cao, bất chấp làm ăn thua lỗ. Đơn giản, đó là tại cơ chế?
Cơ chế là ai?
Nhân câu chuyện tiền lương lão đạo tập đoàn, tổng công ty cao ngất ngưởng dù có làm ăn thua lỗ, lại nhớ đến chuyện phải “trọng người tài, tín chất lượng” như một mục tiêu cốt tử cho sự phát triển chung của xã hội. Trong hoàn cảnh doanh nghiệp cứ làm ăn thua lỗ, lãnh đạo điều hành nó vẫn ung dung hưởng lương cao nhờ cơ chế, chính sách này nọ, khái niệm “người tài” xem ra lại trở nên vô định hơn bao giờ hết.
Về lý thuyết, nhân loại luôn cho rằng, đánh giá người tài phải nhìn vào sản phẩm người ta tạo ra và cách người ta làm, thay vì nghe người ta nói, càng không nên nhìn vào vị trí người ta ngồi để suy đoán giá trị người ta sẽ mang lại. Vì thế mà những ai trọng người tài thực sự thường gắn “trọng tài” với “tín chất lượng”. Người tài phải được xác định qua lượng giá trị họ tạo ra cho xã hội.
Vậy con số lỗ hàng nghìn tỷ đồng của tập đoàn, tổng công ty vừa được công bố, dư luận có quyền nghi ngờ tài năng của các vị lãnh đạo đang hưởng lương cao đó. Trong các cuộc bàn thảo trước đây, nhiều ý kiến đã cho rằng, họ hưởng lương cao vì họ phải đứng mũi chịu sào lo cho hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Hoạt động của tập đoàn không chỉ vì nó mà còn có tính chất lan tỏa rộng trong xã hội. Như thế, lương lãnh đạo cao hơn nhiều cũng đáng lắm!?
Điều đó không sai nếu các vị lãnh đạo đó quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước, nhân dân còn sẵn sàng chấp nhận trả lương cao hơn, thậm chí ngang bằng với các nhà quản lý của nước ngoài. Nhưng kết quả kiểm toán vừa công bố cho thấy, khó phủ nhận trong các nguyên nhân gây thua lỗ cho doanh nghiệp, có phần do cách quản lý, điều hành của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty.
Không thể đổ hết cho tại cơ chế. Nếu anh thực tài, trọng chữ tín, đặc biệt là người tài luôn biết đề cao tự trọng cá nhân, thấy cơ chế không phù hợp, người tài phải lên tiếng đấu tranh, góp ý kịp thời để sửa chữa. Bằng không, dùng tự trọng cá nhân để chủ động rời ghế cho người khác làm. Còn nếu chỉ biết ngồi chờ hết tháng lĩnh lương; chờ ai đó, ở đâu đó, cấp nào đó sẽ có lúc sửa cơ chế mà không phải việc của mình, xem ra người tài này cũng đang âm thầm gây họa lớn cho xã hội, không riêng gì chuyện doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ.
Đã đến lúc, cho dù không còn sớm, để chỉ rõ “cơ chế là ai?” để thực thi tính chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trước pháp luật về những hành động của mình. Bởi nếu không, tập đoàn, tổng công ty cứ làm ăn thua lỗ lại bảo tại cơ chế.
Hơn nữa, nói như ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN, cơ chế tiền lương, đặc biệt lương của cấp lãnh đạo các đơn vị hiện còn nhiều bất cập, KTNN đã có nhiều kiến nghị và hiện đang được Chính phủ điều chỉnh trong thời gian tới. Dư luận lại được kiến tạo một sự trông chờ, hy vọng vào cái mốc của sự đổi khác nào đó rất chung chung ở... “thời gian tới”. Như thế, biết đến khi nào hết cảnh kinh doanh cứ lỗ, vẫn nhận lương cao?./.