Nhà trọ sinh viên ở TP HCM: Giá cao, chất lượng thấp
VOV.VN - Hiện nay, các nhà trọ thường tăng giá, chất lượng ngày càng xuống cấp, gây nhiều khó khăn bất tiện cho sinh viên.
Với số lượng trường đại học, cao đẳng đứng đầu cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có rất đông sinh viên ngoại tỉnh đến trọ học. Các khu ký túc xá tại các trường chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Số còn lại đều trông chờ vào nhà trọ của người dân mở ra.
Nguyễn Thị Năm, sinh viên trường Cao đẳng Công thương thành phố Hồ Chí Minh đang đi tìm nhà trọ trên đường Lê Văn Việt, quận 9. Năm cho biết, đầu năm học, em không thuộc diện ưu tiên ở ký túc xá nên phải đi thuê nhà trọ cùng hai người bạn khác. Nhưng chỉ được 1 tháng, phòng trọ xuống cấp nên Năm và các bạn phải chia nhau đi tìm phòng mới. Thế nhưng, Năm thấy rất khó để tìm được một căn phòng gần trường, tương đối tươm tất và giá cả hợp lý.
Tương tự như vậy, bạn Trần Trung Kiên, sinh viên năm cuối trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh đã có 4 năm ở trọ và nhiều lần chuyển nhà cũng cho biết: “Chúng em khó tìm nhà trọ chất lượng và giá cả hợp lý. Tính từ năm thứ nhất đến nay, chúng em đã chuyển nhà tới 6 lần. Khi chúng tôi mới đến, điện nước và phòng nhìn đẹp nhưng được mấy tháng thì hỏng hết, nhà bị dột. Ở một thời gian, chủ nhà lại tăng giá”.
Những trường hợp kể trên là thực trạng chung của rất nhiều sinh viên đang ở trọ hiện nay. Theo khảo sát của phóng viên, mức giá phòng trọ từ 7- 20 m2 hiện dao động từ 800.000 – 3 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và chất lượng.
Nhiều nơi gần trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ở quận Gò Vấp, gần các trường Đại học Ngân hàng, Đại học Nông lâm ở quận Thủ Đức, sinh viên phải chấp nhận giá một số phòng khá cao trên 1 triệu đồng/phòng khoảng 12 đến 15 m2, trả tiền điện với giá 3 đến 4.000 đồng/kWh, tiền nước từ 60 – 80.000 đồng/người/ tháng.
Những phòng trọ ở quận 1, quận 2, quận 5, có giá trên 2 triệu đồng mỗi căn dành cho 2- 3 người ở. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt tại đa số các khu nhà trọ sinh viên đều rất thấp.
Mong mỏi của đa số sinh viên và cả phụ huynh là được ở ký túc xá, vừa tiết kiệm, có điều kiện sinh hoạt tốt vừa an toàn. Nhưng hiện nay, ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng ở thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của sinh viên. Thông thường, những sinh viên thuộc 1 trong 8 diện được ưu tiên mới được xem xét ở trong ký túc xá.
Ông Võ Văn Thưa, Giám đốc ký túc xá Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trường chỉ có 25% sinh viên được ở ký túc xá, cho biết: “Hiện chúng tôi có thể giải quyết được 1.400. Số còn lại phải đi thuê ở ngoài hoặc chúng tôi giới thiệu sang bên Đại học Quốc gia. Việc ở trọ bên ngoài sẽ không được như ở ký túc xá, sinh viên năm thứ nhất dễ bị sa ngã”.
Để giúp đỡ sinh viên trong vấn đề nhà trọ, Trung tâm hỗ trợ Học sinh Sinh viên thành phố kết hợp với cơ sở Đoàn, Hội ở các trường, thành lập "Đội tình nguyện khảo sát nhà trọ".
Từ đầu năm đến nay, các đội này đã khảo sát được hơn 420 địa chỉ trọ với gần 1.900 chỗ trọ, giới thiệu cho hơn 300 lượt sinh viên có nhà trọ ổn định. Đội cũng thường xuyên cập nhật tình hình các khu trọ đảm bảo giá thỏa thuận ban đầu, cải thiện chất lượng nhà trọ cho sinh viên.
Anh Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Những chủ nhà trọ được trung tâm và các cơ sở giới thiệu đều có ký cam kết với chủ nhà trọ. Chúng tôi dựa vào những cam kết đó để tiếp tục kiểm tra theo tiến độ thời gian hoặc bất kỳ sinh viên nào ở nhà trọ chúng tôi giới thiệu. Nếu chủ trọ tự ý tăng giá nhà hoặc thay đổi các điều khoản trong hợp đồng có thể liên hệ ngay với chúng tôi để giải quyết ngay lập tức”.
Với tình hình giá nhà trọ ngày càng tăng cao trong khi chất lượng hầu như không được cải thiện như hiện nay, sinh viên cố gắng tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chỗ trọ.
Đối với những sinh viên chưa có kinh nghiệm, nên tìm đến Trung tâm hỗ trợ Học sinh Sinh viên hoặc cơ sở đoàn, hội của trường để được tư vấn, giúp đỡ về chỗ ở để đảm bảo an ninh, ổn định học tập./.