Ông Dương Trung Quốc: “Việc học Sử có thể trở nên thảm hại hơn”
VOV.VN- Cách thức đổi mới môn Lịch sử không có sức thuyết phục và lý giải cho việc thay thế môn học này bằng môn học khác cũng không cụ thể, rõ ràng.
Có lẽ chưa bao giờ việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử lại trở thành đề tài tranh luận gay gắt giữa một bên là ngành Giáo dục và giới nghiên cứu lịch sử khi mới đây vấn đề này được đưa ra tại một hội thảo giữa hai bên diễn ra ngày 3/11 vừa qua.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là cần tích hợp giáo dục nội dung môn Lịch sử, Quốc phòng- an ninh và Đạo đức-công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ nghiên cứu lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” do Bộ GD-ĐT vừa công bố là quá nóng vội, sơ sài, không có sức thuyết phục.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, việc tích hợp môn Lịch sử như trên là nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, làm sao không để các em rơi vào tình trạng học tủ, học lệch, nặng về trình bày, học thuộc lòng. Đây cũng là sự đổi mới cách dạy và học theo Nghị quyết 29 NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục và Đào tạo.
Theo như Dự thảo, ở cấp trung học sẽ không còn môn Lịch sử nữa và học sinh không phải thi môn học này. Thay vào việc không thi môn Lịch sử thì học sinh sẽ phải thi môn bắt buộc là môn “Công dân với Tổ quốc”.
Từ nhiều năm nay, chất lượng giảng dạy-học tập môn Lịch sử luôn bị đánh giá là còn nhiều bất cập, yếu kém. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, môn Lịch sử chỉ được coi là môn tự chọn nên việc dạy và học môn học này càng trở nên đáng báo động.
Có thể nói, Bộ GD-ĐT đã có những việc làm thiết thực để đổi mới, cải cách chương trình, phương thức giảng dạy-học tập môn Lịch sử. Tuy nhiên, cách thức đưa nội dung môn Lịch sử vào tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc” còn chưa thỏa đáng, cần phải xem xét lại.
Về mặt pháp luật, bộ môn Quốc phòng-An ninh đã được quy định trong một bộ luật riêng. Chúng ta muốn bỏ nó đi hay tích hợp vào môn học khác thì trước hết phải thực hiện theo đúng luật. Cho dù Nghị quyết là định hướng nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng pháp luật.
Tích hợp môn Lịch sử: Không thể ghép nối, chắp vá tùy tiện
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Lịch sử là môn nằm trong hệ thống giáo dục từ lâu, nay muốn thay đổi thì cũng phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, huống hồ khi tích hợp nội dung môn học này vào môn “Công dân với Tổ quốc” trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” mà Bộ GD-ĐT lại chưa có sự trao đổi, trưng cầu ý kiến của giới nghiên cứu Sử học cho đến khi có hội thảo giữa hai bên diễn ra ngày 3/11.
“Đưa ra Dự thảo nhưng Bộ GD-ĐT lý giải cách thức tích hợp môn Lịch sử không có sức thuyết phục và giải thích cho việc thay thế môn học này bằng môn học khác cũng không cụ thể, rõ ràng. Nếu đưa môn Lịch sử vào tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc” mà chưa nghiên cứu thận trọng thì môn Lịch sử càng không được giới trẻ coi trọng và việc học sử có thể trở nên thảm hại hơn” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ là nhà nghiên cứu, Nhà sử học Dương Trung Quốc không đưa ra quan điểm là môn Lịch sử phải hơn hẳn các môn học khác nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, tăng cường nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ thì môn Lịch sử càng phải được đặt ở vị trí quan trọng. Nếu coi nhẹ môn học này thì trong tương lai chúng ta sẽ mất mát rất nhiều thứ không thể lường hết được.
“Ngành Giáo dục đừng biến học sinh thành những người “thử nghiệm” cho những đổi mới không có căn cứ thuyết phục như việc đưa nội dung môn Lịch sử vào tích hợp với môn Công dân với Tổ quốc. Nếu việc “thử nghiệm” không đạt kết quả thì chúng ta chắc chắn phải điều chỉnh lại nhưng người học sẽ phải chịu thiệt thòi nhất” – Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm./.