Sẽ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Rumani
VOV.VN - Làm việc tại Rumani, lao động Việt Nam có thể thu nhập từ 600 đến 1.200USD/tháng.
Trong chuyến công tác và làm việc tại châu Âu, ngày 28/11 tại Thủ đô Bucharest, Cộng hòa Rumani, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani Marius Constatin Budai đã tiến hành hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội. Bản ghi nhớ có thời hạn 05 năm,bắt đầu từ năm 2018.
Rumani là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp.
Bộ trưởng 2 nước ký kết biên bản hợp tác. |
“Việc ký kết hợp tác giữa Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani thể hiện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc. Hiện tại nhu cầu tiếp nhận lao động của bạn là rất lớn khi kinh tế đang tăng trưởng nhanh, bình quân 5-7%/năm. Bên cạnh đó, hiện nay lao động Rumani chuyển sang các nước Tây Âu làm việc khá nhiều, điều này dẫn đến lao động trong nước ở các ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng.....”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Rumani làm việc trong những năm tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam lựa chọn lao động có kỹ năng, tay nghề, đàm phán, ký kết hợp đồng đảm bảo mức lương, điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi cho người lao động. Rumani đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: nghề hàn, nghề xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.... Dự báo trong những năm tới, các công ty, doanh nghiệp của bạn cần nguồn cung lao động lên tới con số vài chục vạn người. Lao động Việt Nam sang Rumani có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 02 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động vào khoảng 40 triệu đồng/người.
Trước đó, giai đoạn 2008 - 2016, mỗi năm có khoảng 100 lao động Việt Nam sang Rumani làm việc trong các ngành nghề: hàn, cơ khí, điện, sơn. Năm 2017, có hơn 800 lao động Việt Nam sang Rumani làm việc. Trong 11 tháng năm 2018, đã có gần 1.400 lao động Việt Nam sang Rumani làm việc tại các ngành nghề: hàn, cơ khí, mộc, sắt thép, thợ may, xây dựng, chế biến thịt….
Cũng trong chuyến công tác tại Rumani, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội làm việc với Bộ Lao động và Công bằng xã hội; Bộ Giáo dục Rumani, dự Hội nghị bàn tròn về “Cơ hội và thách thức trong hợp tác lao động Việt Nam - Rumani”; thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bucharest, thăm một số cơ sở giáo dục, công ty, doanh nghiệp của nước bạn./.
Theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani: Các bên cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Rumani và mong muốn thúc đẩy, mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội trên cơ sở bình đẳng, vì lợi ích chung.
Các lĩnh vực hợp tác, bao gồm: Trao đổi kinh nghiệm, các bài học tốt và thông tin về quy định luật pháp của hai quốc gia trong lĩnh vực việc làm, quan hệ lao động, an sinh xã hội và quản lý lao động di cư; Trao đổi kinh nghiệm, các bài học tốt và thông tin pháp luật của hai quốc gia về hoạt động thanh tra lao động nhằm đảm bảo quyền của người lao động và an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Trao đổi kinh nghiệm, các bài học tốt và thông tin pháp luật về an sinh xã hội của hai quốc gia, bao gồm chế độ bảo hiểm xã hội và hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp; chế độ trợ cấp xã hội cho lao động yếu thế khu vực tư nhân; người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật..v..v cũng như các vấn đề quan tâm chung khác.
4 công ty xuất khẩu lao động bị phạt hơn 550 triệu đồng
Người lao động được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệp định CPTPP?
Giải pháp nào cho tình trạng “Vượt biên đi lao động trái phép” ở Tây Bắc?