Tăng mức phạt với cơ sở sử dụng giáo viên không đạt chuẩn?
(VOV) - Đây là một trong những kiến nghị của một số cán bộ Sở GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến của các Sở GD-ĐT, trường ĐH trong cả nước về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Dự kiến, dự thảo sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 4 tới.
Dự thảo Nghị định được đưa ra với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, xử phạt nghiêm những cơ sở giáo dục hoạt động sai quy định, ảnh hưởng tới người học và xã hội. Mức xử phạt như thế nào sao cho hợp lý và có sức thuyết phục đang là vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, các địa phương và cơ sở giáo dục.
Phóng viên VOV online ghi lại những ý kiến đóng góp của cán bộ lãnh đạo ở một số Sở GD-ĐT đối với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Tăng mức xử phạt cơ sở sử dụng giáo viên không đạt chuẩn lên 10 triệu đồng
Ông Hoàng Công Dụng |
Ông Hoàng Công Dụng, chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) lo lắng: Trong những năm gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới tình trạng một số cơ sở giáo dục mầm non có giáo viên sử dụng những vật dụng trong sinh hoạt để đánh trẻ em dẫn đến các em bị ảnh hưởng về tâm lý, thể chất. Có thể nói, đây là những giáo viên không đạt chuẩn về chất lượng giảng dạy nên phải bị xử phạt nghiêm.
Trong khoản 2a, Điều 19 của dự thảo Nghị định đưa ra mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-8 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giáo viên dạy mầm non không đạt chuẩn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Dụng, đối với những cơ sở giáo dục có giáo viên đánh trẻ em dẫn đến ảnh hưởng lớn về thể chất và tinh thần thì cần phải tăng mức xử phạt lên trên 10 triệu đồng.
Cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên không đạt chuẩn thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục của cả một thế hệ trẻ và nguồn nhân lực của đất nước. Do đó, quy định về xử phạt đối với cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên không đạt chuẩn không chỉ được đưa vào áp dụng tại các trường mầm non mà nên áp dụng ở các trường THCS, THPT, ĐH.
Ngoài ra, ông Hoàng Công Dụng còn bày tỏ băn khoăn vì chưa rõ về khoản 3 Điều 5, phạt tiền từ 5-40 triệu đồng đối với hành vi mở lớp để giảng chương trình giáo dục mầm non chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ông Hoàng Công Dụng cho rằng, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra chưa rõ ràng vì không nói rõ xử phạt mở lớp giảng dạy chương trình giáo dục mầm non trái phép hay xử phạt vì chưa giảng dạy theo chương trình mầm non được cho phép…
Cần quy định rõ việc thành lập cơ sở giáo dục không đúng quy định
Ông Lê Viết Thành, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh quan tâm tới khoản 3a Điều 4 của dự thảo Nghị định về vi phạm quy định thành lập cơ sở giáo dục, trong đó phạt từ 10-20 triệu đối với hành vi thành lập các trung tâm ôn luyện văn hóa, cơ sở giáo dục mầm non không đúng quy định. Tuy nhiên, trung tâm ôn luyện văn hóa không phải là cơ sở giáo dục nên khó có thể xử phạt.
Ông Lê Viết Thành |
Ông Lê Viết Thành kiến nghị: Trong Nghị định cần làm rõ, trung tâm ôn luyện văn hóa gồm bao nhiêu lớp, thế nào là trung tâm ôn luyện văn hóa thì mới có thể xử phạt rõ ràng.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, hiện nay, nhiều địa phương có những nhà trẻ hay nhóm lớp tư thục mở ra nhưng không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, họ vẫn được phép thành lập. Điều này dẫn đến chất lượng giảng dạy, chăm sóc trẻ không được đảm bảo.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Viết Thành cho rằng, trong Nghị định cần nêu rõ, cơ sở mầm non cần đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, diện tích trường học và một số tiêu chuẩn khác của Bộ GD-ĐT đưa ra thì mới được phép thành lập.
Nên tăng mức phạt đối với học thêm, dạy thêm trái phép
Đóng góp ý kiến vào Khoản 7 điều 5 của Nghị định đối với vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục dạy thêm, học thêm, ông Nguyễn Tiến Quang, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, Nghị định nên bổ sung phần dạy thêm không đúng nội dung được cấp phép.
Lý giải cho ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Quang cho biết: Hiện nay, trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định, các trường tiểu học không được dạy thêm các môn văn hóa, trừ dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.
Ông Nguyễn Tiến Quang |
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường tiểu học đã lợi dụng kẽ hở của Thông tư 17 để “lách” luật, xin Sở GD-ĐT cấp phép cho dạy thêm về thể dục thể thao, kỹ năng sống.
Nhiều trường tiểu học đã không dạy các môn trên mà lại tổ chức dạy thêm các môn nâng cao kiến thức Toán, Tiếng Việt.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Quang cho rằng, trong Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần bổ sung phần dạy thêm không đúng nội dung được cấp phép.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, nếu trường tiểu học nào vi phạm quy định về dạy thêm không đúng nội dung được cấp phép thì có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, cần tăng cường xử phạt đối với cá nhân tổ chức dạy thêm trái phép. Theo đó, trong Nghị định nên đưa ra tăng mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với đơn vị, cá nhân, tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định.
Việc nhà trường tổ chức dạy thêm vượt 4 buổi, giáo viên được phép dạy thêm giờ nhưng dạy vượt quá 200 giờ/năm so với quy định cũng cần được đưa vào trong Nghị định để đưa ra mức xử phạt sao cho hợp lý./.