Thầy cô phải luôn là tấm gương tự hoàn thiện mình
VOV.VN -Sứ mệnh cao quý của người thầy là truyền dạy kiến thức, đạo lý cho học trò, giúp học trò trở thành người có nhân cách tốt đẹp....
Sứ mệnh cao quý của người thầy là truyền dạy kiến thức, đạo lý cho học trò, giúp học trò trở thành người có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho bản thân và xã hội. Xã hội càng phát triển thì những yêu cầu đối với người thầy càng tăng. Những kiến thức của thầy giáo, cô giáo truyền dạy có thể qua đi theo sự phát triển của xã hội, nhưng đạo đức, nhân cách của người thầy sẽ còn đọng mãi trong các thế hệ học trò.
Cô giáo Vũ Việt Hoa, trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội- Amsterdam (Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghĩ người thầy trước hết phải là một tấm gương. Người thầy vào lớp mà không chỉn chu, không ngay ngắn, không có tâm và không có nhiệt huyết thì học trò sẽ đánh giá, các em lấy đấy là một điểm quy chiếu, và đó sẽ xa vời với bài giảng đạo đức".
Thầy giáo, cô giáo là người lấy niềm vui, sự tiến bộ, thành đạt của học trò làm lý tưởng nghề nghiệp, làm lẽ sống của mình mà không so đo, tính toán. Nhiều thầy giáo, cô giáo không vì danh lợi, quên cả tuổi thanh xuân của mình, vượt lên những khó khăn của cuộc sống, dốc hết tâm trí, mang con chữ đến với học sinh trên khắp mọi miền đất nước. Chính những tấm gương đó đã để lại những tình cảm tốt đẹp và sự kính trọng của xã hội, của bao thế hệ học trò đối với Nghề giáo.
Cô giáo Hoàng Thị Tuyết, khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu là người thầy, dù ở vị trí nào thì khi giảng dạy luôn luôn nghĩ rằng, việc giảng dạy có làm cho người học học được không, học để thật sự đạt được hiểu biết. Từ đó học trò mở rộng hiểu biết, đạt được những mục đích của cuộc đời mình và tham gia được một cách tích cực vào xã hội".
Còn Tiến sỹ Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, đạo đức của người thầy thể hiện qua những việc làm cụ thể chứ không chỉ là những lời rao giảng suông, “nói đi đôi với làm”. Sự gương mẫu của người thầy là ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo Phó Giáo sư- Tiến sỹ Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong xã hội hiện nay, học trò chịu nhiều tác động của xã hội nên không chỉ trông đợi ở người thầy như một chuẩn mực về tri thức, tấm gương tự rèn luyện nâng cao trình độ mà còn mong muốn một người thầy công minh hơn, biết lắng nghe, chia sẻ, thậm chí tranh luận với người học để tìm ra lẽ đúng- sai: "Thầy giáo không nhất thiết là tấm gương như chuẩn mực theo truyền thống, mà tấm gương của thầy giáo là ý thức vươn lên trong học hành, vươn lên trong nghề nghiệp, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Thầy cô đóng góp các giá trị cho xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng càng nhiều thì đó chính là tấm gương tốt nhất. Giá trị đó mới là thước đo, là đích để học sinh ngưỡng mộ và noi theo".
Cho dù là xã hội nào, vai trò truyền đạt tri thức, giáo dục nhân cách cho học trò của các thầy giáo, cô giáo vẫn không thay đổi. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự giao lưu với nhiều nên văn hóa và lối sống hiện đại của nhiều nước trên thế giới, để giữ được phẩm chất cao quý của người thầy, các thầy giáo, cô giáo phải luôn nêu một tấm gương sáng về việc tự học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, để cho các thế hệ học trò học tập, noi theo.
Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là ngày để xã hội tôn vinh ý nghĩa cao quý của nghề dạy học và những người làm nghề dạy học, mà còn là dịp để mỗi thầy giáo, cô giáo tự nhìn nhận lại mình, tiếp tục rèn đức, luyện tài nhằm hoàn thiện mình hơn nữa, xứng đáng hơn nữa với sự tôn vinh ấy./.