Thi tốt nghiệp THPT, Ngoại ngữ nên là môn tự chọn?
VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn hơn là môn khuyến khích cộng điểm trong kỳ thi năm nay.
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo thi tốt nghiệp THPT theo 2 phương án mới. Điểm quan trọng trong Dự thảo này là Bộ GD-ĐT khuyến khích học sinh thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo như phương án 1, thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm. Như vậy là, học sinh sẽ được cộng tối đa là 2 điểm nếu thi môn Ngoại ngữ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (thứ 3 từ trái sang): Trong thời gian tới, môn Ngoại ngữ sẽ là môn bắt buộc trong chương trình học tới lớp 12 |
Phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ 2020. Trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết). Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến việc dư luận cho rằng sẽ giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án Ngoại ngữ 2020.
Phương án 2, thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.
Phương án này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu. Do đó không có tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, môn Ngoại ngữ có vai trò rất quan trọng trong quá trình Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới và đào tạo ra những “công dân toàn cầu”.
Thế nhưng, hiện nay, việc đánh giá, kiểm tra và thi Ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Học sinh học môn học này còn thụ động và đối phó, chưa có được những kỹ năng giao tiếp đạt chuẩn như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, môn Ngoại ngữ sẽ là môn bắt buộc trong chương trình học tới lớp 12. Các trường sẽ không dạy như cũ nữa mà học sinh học Ngoại ngữ phải sử dụng được để hướng tới năng lực giao tiếp và làm việc hiệu quả. Do vậy, sắp tới, phương pháp giảng dạy-học tập, cách thi, cách đánh giá phải khác.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, do điều kiện khó khăn khách quan nên việc dạy học môn Ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền. Vì vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ đưa ra Dự thảo là phương án môn Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích để học sinh cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đề xuất Ngoại ngữ là môn thi tự chọn
Trước dự thảo 2 phương án thi tốt nghiệp mới được đưa ra, tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13/2, nhiều ý kiến cho rằng, Ngoại ngữ nếu không thi bắt buộc thì phải là môn thi tự chọn.
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, tỉnh có 14 trường miền núi nhưng năm 2013 chỉ có 5% số trường xin thi môn thay thế môn Ngoại ngữ. Điều này chứng tỏ Ngoại ngữ hoàn toàn có thể trở thành môn thi bắt buộc.
Để tiếp tục duy trì chất lượng dạy học Ngoại ngữ kết hợp với các giải pháp khác nhằm cải thiện trình độ Ngoại ngữ của học sinh phổ thông, ông Nguyễn Tấn Thắng đề nghị Bộ GD-ĐT nên đưa môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định: Bộ GD-ĐT nên đưa môn Ngoại ngữ là môn tự chọn nằm trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT |
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, trong khi đang triển khai dạy học Ngoại ngữ theo Đề án 2020 với việc chú trọng đào tạo công dân Việt Nam trở thành “công dân toàn cầu”, không chỉ phải hiểu biết kiến thức toàn diện mà còn phải giao tiếp và làm việc được bằng Ngoại ngữ thì không nên đưa môn Ngoại ngữ là môn khuyến khích cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Nếu điều kiện kinh tế-xã hội cũng như điều kiện học tập Ngoại ngữ ở các địa phương hiện chưa đồng đều và còn khó khăn thì trước mắt, Bộ GD-ĐT nên đưa môn Ngoại ngữ là môn tự chọn nằm trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Hồng Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nêu ý kiến, môn Ngoại ngữ phải là môn bắt buộc như môn Toán và Ngữ văn hoặc là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc chọn lựa theo hình thức nào phù hợp nhất cần được Bộ GD-ĐT khảo sát kỹ lưỡng điều kiện giảng dạy, học tập ở các địa phương, vùng miền.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án ngoài các môn thi bắt buộc, thí sinh sẽ được lựa chọn các môn thi thì nên tổ chức dạy học các môn tự chọn cho học sinh một cách bài bản và khoa học hơn. Việc làm này có thể áp dụng cho môn Ngoại ngữ. Như vậy, học sinh sẽ chăm chỉ học Ngoại ngữ hơn và dần hướng tới Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Được biết, Bộ GD-ĐT đang tổng hợp những ý kiến đóng góp cho phương án khả thi nhất để áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Vì vậy, khoảng hơn 1 tháng nữa, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT và quyết định môn Ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc hay tự chọn./.