Ngày 28/10, tại Hà Nội khai mạc triển lãm “Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1802-1945 qua tài liệu lưu trữ” tại nhà Tiền đường (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Đây là hoạt động do Trung tâm lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2014).
Triển lãm “Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1802-1945 qua tài liệu lưu trữ” giới thiệu bộ sưu tập phong phú gồm 120 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn, các phông tài liệu tiếng Pháp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và một số hiện vật được lưu giữ tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội…
Triển lãm được bố cục thành 2 phần theo chủ đề với 22 tấm pano kèm theo chú thích và thuyết minh: Châu bản triều Nguyễn với giáo dục và khoa cử; Nền giáo dục Tây học tại Việt Nam. Những tài liệu và hiện vật đặc biệt giá trị, mang lại cho công chúng những thông tin chân thực về nền giáo dục Việt Nam giai đoạn lịch sử từ 1802 – 1945. Từ đó, góp phần làm rõ đặc trưng của giáo dục khoa cử Nho giáo triều Nguyễn và giáo dục khoa cử Tây học thời Pháp thuộc trong những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Chị Nguyễn Anh Thư – du khách ở tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Hôm nay, tôi có dịp được tham dự vào triển lãm về giáo dục của Việt Nam qua các thời kỳ. Tôi đã hiểu biết thêm về nền giáo dục của nước nhà từ lúc được thành lập dưới triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc đến một số cuộc cải cách giáo dục hiện nay. Tôi thấy rằng, ở bất kỳ thời điểm nào dưới thời phong kiến hay bị nước ngoài đô hộ nhưng nước ta vẫn đầu tư, quan tâm cho nền giáo dục và đấy là một trong những đầu tư quan trọng cho thế hệ mai sau”./.
Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 28/11/2014./.