Trường học nhiều F0, F1: Học sinh và giáo viên đều lo lắng
VOV.VN - Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã cho tất cả học sinh các cấp học đến trường học trực tiếp. Sau 10 ngày cho học sinh trở lại trường, thành phố đã ghi nhận 10.000 học sinh và 1.800 giáo viên mắc Covid-19.
Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh khiến trường học luôn trong trạng thái phải chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc ngược lại, gây nhiều vất vả cho cả giáo viên và học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đang từng bước khắc phục phù hợp với thích ứng linh hoạt để học sinh được đến trường.
Sáng nay (1/3), tất cả học sinh mầm non ở thành phố Đà Nẵng đã trở lại trường. Số trẻ đến lớp trong buổi sáng đầu tiên này rất ít, trung bình mỗi trường chỉ đón khoảng vài chục trẻ. Nguyên nhân do các trẻ là F0 và F1 nhiều nên chưa thể tới trường.
Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu sáng nay chỉ có 82 trẻ tới trường trên tổng số gần 400 em. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sáng hôm nay số lượng học sinh tới trường tương đối giảm so với dự định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức trong mọi hoạt động để đảm bảo tốt các điều kiện về 5K để phụ huynh yên tâm đưa con tới trường".
Tại trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng sau một tuần học sinh trở lại trường, hiện sĩ số học sinh đến lớp ngày một giảm, thậm chí một số lớp học mới đi học được hai ngày thì giáo viên là F0, buộc học sinh phải dừng đến lớp, chuyển qua dạy trực tuyến. Cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, đối với các thầy, cô giáo đang là F0 thì vẫn tiếp tục dạy trực tuyến ở nhà và cũng có nhiều thầy, cô bị ảnh hưởng sức khỏe do dịch bệnh nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy học.
“Việc học tập liên tục thay đổi như vậy thì với học sinh tiểu học vì các em còn rất nhỏ để các em có thể thích ứng nhanh, bắt kịp được thì đó là một trở ngại không nhỏ cho các em có thể nắm được kiến thức của bài học"- cô Thái Hằng.
Không chỉ cấp tiểu học, mà cấp THCS cũng rơi vào tình trạng tương tự khi sĩ số học sinh hằng ngày đến lớp luôn biến động do học sinh là F0, F1 tăng cao. Giáo viên vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến nên việc quản lý học sinh cũng như tương tác với học sinh trong tiết học vô cùng khó khăn. Cô Nguyễn Thị Trang Tịnh, giáo viên Trường THCS Trưng Vương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, khó khăn nhất của giáo viên thời điểm này là quá trình soạn giáo án. Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên.
“Theo chương trình đổi mới của giáo dục, có rất nhiều hoạt động học sinh sẽ làm trực tiếp với nhau, nhưng việc tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm hoặc làm bài tập thì sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều”- cô Thái Hằng nói
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, sĩ số học sinh đến lớp ở cấp Tiểu học chỉ khoảng 41%, THCS khoảng 65% còn lại học trực tuyến. Như vậy, các trường học ở Đà Nẵng cũng thích ứng linh hoạt với việc dạy và học trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cho công tác quản lý của nhà trường, cũng như việc dạy, học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học thì theo biên chế là mỗi lớp một giáo viên, nếu như giáo viên đó là F0 hoặc F1 thì rất khó trong công tác giảng dạy.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết:“Từ trực tiếp qua trực tuyến và từ trực tuyến qua trực tiếp gây khó khăn trong cách hướng dẫn dạy học và bị ngắt quãng những phần chương trình, nội dung giữa các lớp với nhau. Chúng ta phải khắc phục trong những hoàn cảnh không thể khác được. Khó khăn này đè nặng lên vai của giáo viên giảng dạy trực tiếp, cũng như các em học sinh bị cách ly khó được tiếp thu các nội dung kiến thức.”
Vừa dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến, vừa nghe ngóng tình hình dịch bệnh, ứng phó nhanh với các trường hợp F0, F1; lại phải soạn giáo án cho phù hợp với hình thức dạy trực tuyến lẫn trực tiếp; nhiều giáo viên rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều phụ huynh đề nghị ngành Giáo dục cần xem lại các biện pháp đến trường học như hiện nay liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn?./.