Việt Nam có 2 trường lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới
VOV.VN -Trong phiên họp quốc hội chiều nay (6/6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam có 2 trường lọt Top 1000 trường ĐH tốt nhất thế giới.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt ra vấn đề Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người đang trong độ tuổi lao động có trình độ đại học không có việc làm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thực trạng này "là có thật", gốc rễ của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. |
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Bên cạnh đó ngành giáo dục cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chuỗi giá trị; Tuyển sinh phải gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu nguồn lao động, gắn trách nhiệm của trường với thị trường và người học. Bộ trưởng khẳng định, sẽ tăng cường hậu kiểm, công khai minh bạch.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đại biểu nêu câu hỏi "giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?".
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nhạ thông tin: "Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới".
Bộ trưởng cho hay, sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để đầu tư cho những trường xuất sắc.
Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
"Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề…", ông Nhạ nêu lý do.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng được Bộ trưởng Nhạ dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Ông Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và "đồng tiền đi liền chất lượng".
Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD,... chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao.
Về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, ông Nhạ cho hay, Bộ sẽ đầu tư trọng điểm một số trường, những trường chất lượng vừa phải có thể phải xem xét sáp nhập, giải thể./.
Phân tầng, xếp hạng đại học: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ