Giao thông Hà Nội “nóng” từ đường phố đến các bến xe
VOV.VN - Ngày hôm nay (11/2) tiếp tục được dự báo là một ngày “nóng” của giao thông Thủ đô khi người dân đang tiếp tục đổ ra các bến xe để về quê ăn Tết.
Bắt đầu từ sáng đến chiều tối qua (10/2, tức ngày 25 tháng Chạp), lượng người đổ về các bến xe tăng đột biến, khiến giao thông của TP. Hà Nội bị ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều nhà xe lợi dụng dịp này tăng giá lên gấp đôi, gấp 3 lần ngày thường.
Mỗi dịp lễ, Tết người dân lại mệt mỏi với việc đi lại. |
Tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát, nhiều người xếp hàng dài mà vẫn chưa mua được vé. Chị Nguyễn Minh Tâm, (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã chờ ở bến xe Nước Ngầm hơn 3 giờ nhưng không bắt được xe về quê.
Nhiều quầy vé treo biển hết vé sớm. |
“Hỏi mấy hãng xe họ đều bảo hết vé hoặc vé có người đặt hết rồi nên hiện giờ mình vẫn chưa về được. Mình đang gọi mấy xe quen xem hôm nay họ có xuất bến không. Gọi những xe về Vinh cũng đều đầy người rồi, không lên được. Ngày thường thì 80-100.000 đồng, nhưng hôm nay họ đòi 250-300.000 đồng”, chị Tâm bức xúc nói.
Dòng người đông nghẹt đợi mua vé, đợi xe ở bến xe chiều 10/2. |
Trong ngày hôm qua, ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã tăng cường hàng trăm phương tiện, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến.
Theo ông Trịnh Hoài Lam, Quản lý bến xe Nước Ngầm, dự kiến các tuyến có khả năng khách đông là các tuyến đường dài như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…Do đó, Bến sẽ huy động các đơn vị vận tải chạy trên tuyến cam kết không được nghỉ vào các ngày lễ để đảm bảo giải tỏa khách ngày cao điểm. Bên cạnh đó, bố trí lượng xe dự phòng, khi có nhu cầu tăng đột biến sẽ đưa số xe này vào hoạt động.
Xếp hàng mua vé ở bến xe Nước Ngầm. |
“Đến thời điểm này thì chúng tôi đã tăng cường các tuyến đi Vinh, Hà Tĩnh, Đô Lương vì các tuyến đó đang rất đông, một số xe ra không kịp. Ngay khi đông người là chúng tôi giải tỏa và mang xe tăng cường ra để kịp thời phục vụ bà con đến rồi mua vé về luôn”, ông Trịnh Hoài Lam cho hay.
Do người đổ về các bến quá đông, khiến giao thông của Hà Nội bị quá tải. Nút Giải phóng – Pháp Vân, hàng nghìn xe khách đi các tỉnh phía Nam nối đuôi nhau thành từng đoàn suốt cả ngày nay. Khu vực đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình luôn trong tình trạng ùn ứ.
Hiện, lực lượng CSGT, công an TP. Hà Nội đã huy động 100% cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ để phân luồng, giảm ùn tắc giao thông.
Những người đã mua được vé xe ở Bến Nước Ngầm lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê chiều 10/2. |
Khu vực cửa ngõ phía Tây thành phố, Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 Hà Nội cho biết, “Đội CSGT số 6 có bố trí một tổ tuần tra trên tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Toàn. Khi phát hiện ra điểm nào ùn ứ, chúng tôi sẽ phân luồng cho phương tiện đi sang đường Nguyễn Khánh Toàn hay đường Trần Thái Tông hoặc đi vòng sang đường Nguyễn Khang. Chúng tôi cố gắng giảm tải, tránh để bà con đi vào các điểm đong phương tiện, gây ùn tắc giao thông”.
Khu vực phía Nam (Pháp Vân - Cầu Giẽ và QL1A cũ đoạn Văn Điển - Cầu Giẽ), Đội CSGT số 8 cũng đã huy động 100% quân số để điều tiết giao thông trên tuyến.
Tuyến đường Cầu Giấy giao với Phạm Hùng (gần bến xe Mỹ Đình) giao thông gặp nhiều khó khăn chiều 10/2. |
Tổ trưởng Tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông số 8 Phạm Thanh Tuấn cho biết, quân số toàn đội đã được bố trí điều tiết tại các nút giao, điểm giao thông quan trọng như: Quán Gánh, ngã 3 Thường Tín, Tía, Muộn…
Bên cạnh đó, kết hợp với các lực lượng Thanh tra giao thông, Công an các huyện đảm bảo giao thông trên QL1 được thông suốt.
Là đơn vị phụ trách tuyến giao thông huyến mạch cửa ngõ phía Nam của Thủ đô (tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt các dịp lễ, Tết, Thượng tá Trần Minh Thu, Đội trưởng Đội tuần tra cao tốc số 7 – Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án phân luồng và huy động 100% quân số ứng trực đảm bảo giao thông trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình.
Đơn vị sẽ phối hợp với Công an các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội và Trung tâm điều hành cao tốc để triển khai các phương án chống ùn tắc.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên tại các trạm thu phí do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018./.
Dân ùn ùn kéo ra các bến xe, giao thông Hà Nội lại quá tải
Bến xe Tết đìu hiu vì xe trá hình lộng hành
Người về bến xe đông, xe “rùa” bắt khách ngoài cổng bến Giáp Bát
Đội mưa rét, người đổ ra bến xe, ga tàu về nghỉ Tết Dương lịch
Dòng người vội vã đổ ra bến xe rời Thủ đô về quê nghỉ Tết Dương lịch
Đường kẹt cứng, người dân vác hành lý đi bộ vào bến xe Miền Đông