Hà Nội đề xuất 3 phân kỳ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2045
VOV.VN - Hà Nội vừa có Tờ trình dự kiến nhu cầu vốn, kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đề ra, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư.
UBND thành phố Hà Nội vừa gửi HĐND thành phố Hà Nội xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô. Dự kiến Đề án sẽ được HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17, tổ chức từ ngày 1-5/7 tới đây.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc xây dựng đề án nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Theo đề án, Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn, kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc nêu trên, đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư. Trong phân kỳ 2024 – 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các Tuyến số 22, số 33, số 5) (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đã được phê; Thực hiện chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các Tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, Tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.
Trong phân kỳ 2031 – 2035 thành phố dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng 301km khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.
Phân kỳ 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư hơn 200 km các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỉ USD.
Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, đề án sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn huy động hợp pháp khác) theo quy định, trong đó, một số quy định, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đề xuất áp dụng theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua và kịch bản tăng trưởng trong Quy hoạch Thủ đô dạng trình Chính phủ phê duyệt, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được của Thành phố đến năm 2035 là khoảng 28,560 tỷ USD, trong đó:
Đến năm 2030 có thể cân đối được khoảng 11,570 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 14,602 tỷ USD, chưa cân đối được 3,032 tỷ USD; Đến năm 2035 có thể cân đối được khoảng 16,990 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 22,572 tỷ USD, chưa cân đối được 5,582 tỷ USD; Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.
Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến ĐSĐT bổ sung.