"Hà Nội và TP.HCM cần lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến"
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GTVT và hai thành phố phối hợp chặt chẽ, trong quá trình xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị; lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến, bảo đảm tiếp nhận, làm chủ từ khâu thiết kế, sản xuất, chế tạo đến vận hành, quản lý.
Sáng 15/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ ngành liên quan về việc triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo Quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, TP.HCM sẽ xây dựng 11 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 229,1 km. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 01 tuyến (Cát Linh - Hà Đông, 13km) và đang thi công xây dựng 02 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội, 24km); TP.HCM đang thi công xây dựng 02 tuyến (Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương, 20,74km); các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.
Trong đó, dự án Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành, đang trong giai đoạn nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để vận hành thương mại đoạn trên cao. Còn dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.
TP.HCM đang thi công xây dựng 2 tuyến (Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương, tổng chiều dài 20,74 km). Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.
Hiện 2 thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định quan điểm, đường sắt đô thị phải đảm bảo từng bước tiếp nhận từ sản xuất, chế tạo đến vận hành khai thác. Các dự án sau phải cân nhắc lựa chọn công nghệ tiên tiến mà các nước đã thực hiện. Trong quá trình triển khai, cần có đơn vị tư vấn cho cả 2 thành phố bảo đảm phân bổ dự án phù hợp, các tuyến đường sắt xây dựng đồng bộ, có tầm nhìn, phù hợp quy hoạch phát triển đô thị.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT và hai thành phố phối hợp chặt chẽ, trong quá trình xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị; lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến, bảo đảm tiếp nhận, làm chủ từ khâu thiết kế, sản xuất, chế tạo đến vận hành, quản lý, gắn với đầu tư, hình thành ngành công nghiệp đường sắt đô thị. Việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị phù hợp với chiến lược, quy hoạch đô thị, bảo đảm hài hoà với các phương thức giao thông trong kết nối hạ tầng.
Trong đó, Bộ GTVT khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý trong công tác quản lý, vận hành hệ thống đường sắt đô thị; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ, máy móc trang thiết bị, đường sắt trên cao và chạy ngầm, các ga hành khách; bộ máy tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt đô thị.
“Đề án tổng thể cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tính khả thi, khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ Trung ương, địa phương và xã hội hoá với các hình thức BT (Xây dựng-chuyển giao), PPP (Hợp tác công-tư)…; đồng thời phát huy được nguồn lực từ đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, tuyến đường sắt đô thị”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Cuộc họp đã thảo luận về tiến độ xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM trình Bộ Chính trị; cũng như các công tác chuẩn bị khác như thuê tư vấn nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư… Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Đề án phải làm rõ quan điểm về huy động nguồn lực thực hiện, mô hình vận hành, vị trí, không gian thi công; đồng thời giải quyết được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị vừa qua như kéo dài, đội vốn, công nghệ, thiết bị thiếu đồng bộ.
Với TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tập trung giải quyết những tồn tại liên quan đến nhà thầu nhằm hoàn thành nốt khối lượng công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, việc triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã đạt 98% khối lượng, đang tiến hành công tác thử nghiệm liên động toàn tuyến. Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Xây dựng hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, an toàn phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu công trình, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Tham Lương đã bàn giao mặt bằng 92,14%, dự kiến giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cuối quý II/2024, đồng thời di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (hoàn thành quý II/2025).
Với Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội và TP.HCM cần xây thêm 18 tuyến đường sắt đô thị. Đây là khối lượng công việc rất lớn, cần có gói giải pháp tổng thể, đột phá, đồng bộ về công nghệ xây dựng, quản lý, vận hành cho hệ thống đường sắt đô thị cho Hà Nội, TP.HCM, đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt đô thị.