Hãi hùng khi đi qua điểm sạt lở trên các tuyến giao thông
VOV.VN - Thực tế cho thấy việc người và phương tiện lưu thông qua các điểm sạt lở đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Mưa lũ trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã khiến các tuyến giao thông của tỉnh Kon Tum bị sạt lở tại hàng trăm điểm. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở để thông đường. Thực tế cho thấy việc người và phương tiện lưu thông qua các điểm sạt lở đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đến chiều tối qua, lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum đã khắc phục xong các điểm sạt lở nặng trên 2 tuyến tỉnh lộ 673 và 676. Như vậy, đường đến 3 xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei và đường đến 4 xã Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Đăk Tăng của huyện Kon Plông đã được khôi phục không còn ách tắc.
Còn trên đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn xã Hiếu và Ngọc Tem của huyện Kon Plông có 50 điểm sạt lở, trong đó nặng nhất tại km202 + 100 với khối lượng hàng trăm m3 đất đá tràn xuống mặt đường khiến giao thông ách tắc hoàn toàn.
Hiện Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đang huy động lực lượng và phương tiện để thông đường. Tuy nhiên dự kiến sớm nhất cũng phải trong một, hai ngày tới mới thông tạm một vệt bên phía ta luy âm để người và phương tiện đi qua điểm sạt lở.
Điều lo lắng nhất trong việc lưu thông trên 10 tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ 24, 40, 40B, 14C, đường Trường Sơn Đông cũng như nhiều đường giao thông nông thôn ở tỉnh Kon Tum hiện nay là nguy cơ xảy ra tai nạn cho người đi đường do đường khó đi và sạt lở đất.
Ông Hoàng Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông, cho biết, tại địa phương lực lượng chức năng và chính quyền xã cũng đã cho lắp đặt các biển cảnh báo ở những vị trí sạt lở nguy hiểm song nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn rất cao: “UBND xã có biển cảnh báo nguy hiểm để cảnh báo nhân dân đi lại đề phòng việc bất trắc xảy ra đối với tính mạng. Thời gian vừa rồi mưa bão làm sạt lở nhiều tuyến đường dân sinh, đường Đông Trường Sơn và quốc lộ 24. Lượng nước của những cơn bão vừa rồi trong đất là rất dư thừa rồi, chỉ cần một tác động tiếp là lượng đất đá bất cứ lúc nào cũng có thể sụt xuống. Sạt lở như thế thì đất đá, cành cây đổ gẫy bất cứ lúc nào có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bà con”./.