Hậu Giang: Nước mặn xâm nhập với nồng độ tăng đột biến
VOV.VN - Tình hình mặn trong tỉnh đang diễn biến bất thường, nhiều nơi độ mặn tăng khá cao so với cùng thời điểm năm 2016...
Trước tình hình nước mặn có nồng độ cao đang tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ngành chức năng, người dân nơi đây đã và đang tích cực ứng phó bằng nhiều biện pháp để giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Ông Lữ Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và ông Lê Tiến Châu- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ( từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn thành phố Vị Thanh. |
Những ngày qua, nước mặn theo sông, rạch xâm nhập vào địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với nồng độ mặn tăng đột biến có hôm tăng từ 0,6 đến hơn 1‰ so với hôm trước đó. Hiện nồng độ mặn tại nhiều nơi trong huyện đã ở mức 1.6‰.
Trước tình hình trên, bên cạnh phân công lực lượng mỗi ngày hai lần, tiến hành quan trắc nồng độ mặn theo con nước trên các con sông, rạch để kịp thời thông báo cho bà con chủ động trong việc phòng chống mặn không để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng trong huyện cũng đã tiến hành theo tuyến kênh này xâm nhập vào địa bàn.
Cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra độ mặn trên kênh rạch |
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Phòng nông nghiệp cũng đã triển khai cho các địa phương nằm trên tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp, từ Phương Phú dài ra tới Tân Phước Hưng và bọc qua tới thị trấn Cây Dương vào tới Phương Bình. Những địa phương này hiện nay đã chuẩn bị các đập thời vụ và các cống, trạm bơm đã sẵn sàng để ứng phó khi mặn lên cao”.
Hiện huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, hai địa phương cuối nguồn của tỉnh Hậu Giang đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình xâm nhập mặn theo triều biển Tây. Kết quả quan trắc tại 2 địa phương này trong những ngày gần đây cho thấy nồng độ mặn đã tăng lên khá cao, có nhiều nơi độ mặn đã vượt mức 10‰.
Trước tình hình trên, huyện Long Mỹ đã đóng 10/21 cống bằng sắt ở các đầu kênh khi có độ mặn vượt mức 1,5‰, đồng thời xuống 47 đập thời vụ và vận hành đóng tất cả các cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, đoạn thuộc địa bàn huyện Long Mỹ. Việc đóng các cống được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của UBND tỉnh là mặn đến đâu đóng cống và xuống đập thời vụ đến đó.
Các cống ngăn mặn được chuẩn bị sẵn sàng |
Còn tại Thành phố Vị Thanh, ngành chức năng cũng đã tiến hành đóng 20 cống ngầm và 6 cống hở dọc theo tuyến sông Nước Đục và sông Cái Lớn, nơi có nồng độ mặn tăng nhanh trong những ngày qua, bên cạnh đó cũng đã tổ chức rà soát và sửa chữa nhiều đập thời vụ để sẵn sàng đắp lại khi có mặn vượt mức 1,5‰.
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, năm nay mặn xâm nhập vào địa bàn sớm hơn khoảng một tháng so với cùng kỳ. Đặc biệt, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay không chỉ diễn ra ở hai địa phương cuối nguồn của tỉnh mà mặn từ triều biển Đông cũng đang xuất hiện với nồng độ khá cao tại các địa phương đầu nguồn của tỉnh như huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy.
Mặn từ triều biển Tây và biển Đông theo kênh xáng Quản Lộ- Phụng Hiệp xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang |
Hiện độ mặn tại 2 địa phương đầu nguồn này có nơi đã chạm ngưỡng 3‰. Như vậy, đến thời điểm này, cả hai hướng là triều biển Đông và biển Tây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều bị nước mặn tấn công với nồng độ khá cao.
Ông Lê Tiến Châu- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tình hình mặn trong tỉnh đang diễn biến bất thường, nhiều nơi độ mặn tăng khá cao so với cùng thời điểm năm 2016. Vì vậy, công tác chủ động ứng phó để hạn mặn không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống người dân đang được tỉnh xem là một trong những vấn đề trọng tâm.
"Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động ngay từ đầu để có những cái cách, cái bước để hạn chế vấn đề xâm nhập mặn. Trước hết là cử lực lượng túc trực thường xuyên khi có dấu hiệu là xử lý ngay bằng cách là ngăn các dòng chảy để hạn chế việc xâm nhập mặn và thứ hai nữa là tổ chức nạo vét kênh mương trữ nước ngọt để khi cần thì dùng các hệ thống bơm điện bơm lên để khắc phục hạn mặn đó”, ông Châu nói.
Nhờ chủ động phòng chống nên hiện tại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa có nơi nào bị thiệt hại do hạn mặn |
Cùng với ngành chức năng và các địa phương, hiện người dân trong tỉnh cũng đang chủ động thực hiện các giải pháp để tự bảo vệ thành quả sản xuất của mình trước hạn mặn.
Ông Phạm Thanh Hiền ở Thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp cho biết: Ông có 3ha đất trồng chanh không hạt, trong đó 50% diện tích đang cho trái. Những ngày qua dù đón Tết, vui xuân nhưng mỗi ngày hai buổi ông vẫn tranh thủ ra thăm vườn chanh và thử nước bên ngoài mương vườn, khi nào phát hiện có sự khác thường thì gia đình sẽ tiến hành đóng bọng lại ngăn không cho nước mặn vào vườn.
"Ở đây có khuôn bao hết rồi, chỉ còn cái bọng thôi, nhưng mà sợ tình trạng xâm nhập sớm thì cái vườn cây bị ảnh hưởng. Cho nên riêng bản thân tôi thì hàng ngày có thử nước coi độ mặn nó được bao nhiêu. Nếu độ mặn ảnh hưởng đến cây thì chúng tôi sẽ đóng nắp bọng lại để làm sao giữ được vườn cây. Bởi vì như mấy năm trước thì tình trạng mặn nó vào, đất bị ảnh hưởng mặn, cây sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều tới mấy năm lận”, ông Hiền cho biết.
3ha chanh không hạt của ông Phạm Thanh Hiền vẫn đang phát triển xanh tốt |
Dù xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại tỉnh Hậu Giang nhưng nhờ các ngành, các cấp, các địa phương và người dân chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó từ trước, trong và sau Tết nên hiện tại toàn tỉnh chưa có nơi nào bị thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Tuy nhiên, với dự báo là độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, nên ngành chức tỉnh Hậu Giang yêu cầu nông dân trong tỉnh cần tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc lấy nước vào ruộng lúa, vườn cây ăn trái theo từng thời điểm phù hợp, tránh làm tự ý dễ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập vào làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Khi phát hiện độ mặn vượt mức 1,5‰ thì phải tiến hành đóng các cống, cũng như đắp đập thời vụ để ngăn mặn hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống./.