Hết năm nay, không phân loại rác thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt
VOV.VN - Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất là ngày 31/12 năm nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện phân loại. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45 của Chính phủ.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân là một trong những quy định bắt buộc trong Luật Bảo vệ môi trường, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để thực hiện quy định này, từ cuối năm ngoái, địa phương đã ban hành Quy định chi tiết quản lý chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, phấn đấu chậm nhất 31/12 tới phải thực hiện phân loại chất thải rắn thành 3 nhóm: có khả năng tái sử dụng; thứ 2 là tái chế - chất thải thực phẩm; và chất thải sinh hoạt khác. Bên cạnh đó có cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại, có bao bì ghi rõ, tuân thủ các quy định.
"Từ năm 2019 - 2023, mô hình phân loại rác hữu cơ tại các gia đình xử lý bằng chế phẩm sinh học được thí điểm và nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt tại được tăng lên qua các năm. Cụ thể, đạt 12% vào năm 2021 thì đến 2023 tăng lên 30%. Mục tiêu đến 2025, 100% các hộ gia đình sẽ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, theo đúng quy định của pháp luật, nếu không tuân thủ sẽ xử lý theo pháp luật", ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Để triển khai thực hiện quy định này trong thời gian tới một cách nghiêm túc, hiệu quả, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo hướng dẫn của Bộ phải triển khai đồng bộ từ việc phân loại, cho đến hạ tầng thu gom, cũng như hạ tầng xử lý. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần vào cuộc, phải có kế hoạch, quy hoạch, đồng thời, tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cụ thể để triển khai phân loại.
"Để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định, chúng ta cũng đừng quá sốt ruột, phải đi theo lộ trình và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn làm, đầu tiên là ban hành các văn bản quy định, rồi triển khai hướng dẫn. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn đi công tác các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông", ông Hoàng Văn Thức nói.