Hiểm họa làm đẹp cấp tốc để đi chơi Tết
VOV.VN - “Làm đẹp nhanh chóng, đẹp không dao kéo” là từ khóa được nhiều chị em tìm kiếm trong dịp cận Tết Nguyên Đán. Mong muốn đẹp nhanh, bỏ qua những lời cảnh báo khiến gần đây gia tăng các trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp cấp tốc.
Nguy kịch tính mạng vì làm đẹp cấp tốc
Sau 10 ngày điều trị biến chứng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, bệnh nhân N.H.T. (17 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô gái trẻ này bị mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi tại một spa “chui”.
Đáng nói, khi khách hàng có triệu chứng bị đau đầu, chóng mặt, nôn ói, nhân viên spa “chui” không chuyển cấp cứu mà đã tự ý cấp thuốc cho bệnh nhân uống, khiến tình trạng biến chứng nghiêm trọng.
“Một lúc sau tiêm thì em không thấy đường. Chị ấy (nhân viên spa – PV) kêu em bị tụt huyết áp thôi, nghỉ ngơi chút không sao hết. Chị ấy pha cho em nước đường, uống sữa, uống thuốc sơ cứu rồi bảo nằm nghỉ ngơi xíu là khỏe. Cho tới khi người nhà tới và đưa em đi bệnh viện”, nạn nhân T chia sẻ.
Trải qua thời gian điều trị, tình trạng sức khỏe cô gái đã cải thiện, giảm triệu chứng đau đầu, tình trạng sụp mi cũng giảm, giác mạc bớt phù hơn, cảm thấy dễ chịu nhưng thị lực vẫn âm tính. Khoa Mắt Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục phối hợp khoa Nội thần kinh, khoa Tạo hình thẩm mỹ và khoa Mạch máu cùng hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị, khắc phục thị lực cho người bệnh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Thảo, khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được rất nhiều trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler ở các cơ sở không được cấp phép, không chính thống, để lại những cái tai biến, biến chứng rất là nặng nề. Tôi có lời khuyên cho những người có nhu cầu làm đẹp là nên tới những cơ sở, bệnh viện uy tín, để được các bác sĩ có kinh nghiệm xem xét, có những chỉ định phù hợp”.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiến hành kiểm tra và thu giữ toàn bộ hồ sơ làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cao Kim (Quận 10) của chị L.H.T.N. (40 tuổi, ngụ Đồng Nai), trường hợp bị tai biến nặng, nguy kịch tính mạng trong quá trình làm đẹp.
Trước đó, ngày 13/1, bệnh nhân đến tiêm meso làm đẹp da (bệnh nhân có tiền sử tiêm meso 3 lần). Trước khi thực hiện thủ thuật, nhân viên cơ sở lần lượt tiến hành ủ tê da cho khách 2 lần. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, nôn ói, gồng cứng người.
Người phụ nữ được cơ sở xử trí bằng 1 ống adrenaline, sau đó được liên hệ đội cấp cứu ngoại viện thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đến sơ cứu và chuyển vào Bệnh viện Nhân dân 115.
Lúc này, chị N. đã trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp, có dấu hiệu suy hô hấp, phản vệ nặng, nghĩ đến ngộ độc chất Lidocain dùng để ủ tê da. Bệnh nhân được cấp cứu và xử lý ngộ độc, sau đó chuyển vào phòng hồi sức lọc máu liên tục. Đến nay, bệnh nhân vẫn tiếp tục thở máy, lọc máu, sinh hiệu và huyết động chưa ổn định, tiên lượng nặng.
Hàng chục ca tai biến vì tin quảng cáo
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW (TP.HCM) cho biết, biến chứng thẩm mỹ xảy ra thường xuyên nhưng gia tăng vào dịp Tết. Các biến chứng thường gặp nhiều là tiêm chất filler (tiêm chất làm đầy) để làm đẹp nhanh. Tuy nhiên, chất filler trôi nổi, nguồn gốc xuất xứ ra sao thì khách hàng không biết, trong khi đó người thực hiện tiêm cũng không phải là bác sĩ, không được đào tạo đầy đủ, chủ yếu chỉ đi học vài buổi rồi thực hiện “chui”.
Do người thực hiện là “tay ngang”, không nắm được các vị trí thần kinh, mạch máu, cấu trúc giải phẫu học, việc tiêm chất làm đầy này đã để lại biến chứng nghiêm trọng. Bệnh viện JW cũng đã mổ khẩn cấp để giảm biến chứng cho nhiều trường hợp ở nhiều nơi chuyển đến.
“Đặc điểm chung của khách hàng bị biến chứng hay bị đánh lừa là người ta tin quảng cáo. Hiện tại, tình trạng sử dụng hình ảnh quảng cáo trên các mạng xã hội là lung linh lắm. Khi khách hàng tới đó thì có thể có những chiêu trò khác mà mình không biết. Do đó, khuyến cáo đầu tiên là người đi làm đẹp phải hết sức tỉnh táo, phải kiểm tra, điều tra cơ sở y tế đó, biết được chứng chỉ hành nghề, giấy phép thực hiện kỹ thuật gì, không được tin tưởng quảng cáo”, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung nói.
Còn tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trong 10 ngày gần đây, đã có đến 25 trường hợp gặp sự cố sau khi đi làm đẹp. Các tai biến phần lớn liên quan đến các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy, tiêm vi điểm, tiêm botox...
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các tai biến rất đa dạng và có nhiều mức độ, bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da nặng, hoặc nguy hiểm hơn là gây tàn tật như mù mắt, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Thúy nhận định, dịp cận Tết, nhiều người muốn đẹp hiệu quả ngay và phục hồi nhanh nên ưu tiên chọn thẩm mỹ nội khoa như tiêm botox, filler, meso... Do đó, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã tận dụng quảng cáo, đưa ra cam kết có cánh, giảm giá để thu hút khách hàng. Khách hàng tin vào lời hoa mỹ, hậu quả là tai biến, biến chứng ngày càng nhiều, việc xử trí điều trị luôn có nhiều thách thức.
“Nguyên nhân tai biến thứ nhất là liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị thẩm mỹ, Thứ 2 là nguyên nhân liên quan đến con người, tức là có thể do cơ địa người bệnh hoặc bệnh nhân không thực hiện đúng các kỹ thuật chăm sóc da sau khi thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ. Con người còn bao gồm là người thực hiện, đây là mấu chốt vấn đề then chốt gây ra các tai biến thẩm mỹ”, bác sĩ Thúy khuyến cáo.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có gần 78% ca tai biến thẩm mỹ do người thực hiện không phải là bác sĩ, hơn 15% người bệnh không biết người thực hiện có phải bác sĩ hay không, khoảng 6% ca tai biến do bác sĩ gây ra. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác như thiết bị bị lỗi, sản phẩm sử dụng kém chất lượng, chưa qua kiểm định cấp phép…