Trước sự xuất hiện liên tiếp các vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non trong thời gian gần đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu các giáo viên, bảo mẫu kia có chọn nhầm nghề, hay điều gì đó đã tạo áp lực khiến họ khó kiểm soát được hành vi của mình?
Tuy nhiên, đứng ở góc độ giáo dục, nhiều chuyên gia cho rằng: Đã chọn ngành mầm non thì phải thực sự yêu trẻ mới có thể gắn bó lâu dài, vì đây là một nghề đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe.
|
Ngành mầm non đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe. |
Thông tin 2 bảo mẫu đang làm việc tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh ở quận 12, TP.HCM đều không có bằng cấp chuyên môn khiến dư luận ngỡ ngàng.
Nhiều người thắc mắc, tại sao với một đội ngũ nhân lực “tay ngang” như vậy mà cơ sở giáo dục mầm non này vẫn được cấp phép hoạt động hơn 3 năm nay.
Chính vì không được đào tạo bài bản, thiếu phương pháp sư phạm lẫn kỹ năng kiểm soát cảm xúc mà 2 bảo mẫu này đã có những hành vi bạo hành trẻ.
Vài ngày trước khi vụ việc bị báo chí phanh phui, lực lượng chức năng địa phương đã đến kiểm tra cơ sở này mà không phát hiện sai sót nào.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sài Gòn, điều này thể hiện sự chưa hiệu quả của công tác giám sát ở địa phương.
Ông Giao nói: “Không biết nghiệp vụ của các thành viên trong đoàn kiểm tra như thế nào nhưng đến nơi kiểm tra vẫn không phát hiện được các vụ việc. Điều này do cách thức làm việc, dường như chỉ mới kiểm tra được bề nổi”.
Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tesla cho rằng, bên cạnh yêu cầu về bằng cấp chuyên môn trong quá trình tuyển dụng, ban giám hiệu các cơ sở giáo dục mầm non cần theo sát giáo viên, bảo mẫu trong suốt quá trình nuôi dạy, vui chơi cùng trẻ.
Theo bà Hà, công việc của một giáo viên mầm non chịu nhiều tầng áp lực, do đó rất dễ dẫn đến những trạng thái tâm lý tiêu cực nếu các cô không biết cách cân bằng.
Bạo hành trẻ là một trong số các hành vi được tạo ra từ quá trình tâm lý tiêu cực thiếu kiểm soát đó.
Cho nên, người quản lý trường phải tăng cường giám sát giáo viên và khi có hành vi bạo hành nào đó vừa mới xuất hiện thì phải ngăn chặn ngay.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, không thể chấp nhận bất kỳ lời giải thích, biện hộ nào cho hành vi bạo hành trẻ ngay trong nhà trường.
Môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non đòi hỏi sự nhẫn nại, chịu khó rất lớn từ các giáo viên.
Nếu chẳng may phải sống trong môi trường bị bạo hành kéo dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý, hạn chế sự phát triển toàn diện cũng như dễ phát sinh các hành vi bạo lực. Do vậy, để chấm dứt tình trạng này, cần những giải pháp có chiều sâu.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, giải pháp tốt nhất vẫn là đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngành giáo dục mầm non ngay từ giảng đường đại học.
“Theo tôi hiện nay công tác giáo dục đạo đức cho các giáo viên mầm non cần phải đặt lên hàng đầu. Các cô cần thường xuyên trau dồi nghiệp vụ sư phạm. Những người thực sự yêu trẻ mới làm được nghề này. Chứ còn những ai vì vấn đề tài chính thì tôi thấy rằng không nên để họ theo nghề chăm sóc trẻ”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tín, nhân viên xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, vững chuyên môn, có đạo đức là điều kiện cần của một giáo viên mầm non, nhưng điều kiện đủ vẫn là sự am hiểu về pháp luật.
Khi giỏi nghề, yêu trẻ, hiểu về luật pháp, các cô sẽ không thể ngang nhiên ra tay hành hạ những mầm non vô tội.
Ông Nguyễn Văn Tín lý giải: “Khi đào tạo sinh viên, các trường cần quan tâm đào tạo chính sách pháp luật chứ không chỉ tập trung vào Luật Giáo dục hay những thông tư về vấn đề mầm non. Trong đó cần quan tâm nhiều đến Luật Trẻ em. Cùng với đó còn hàng loạt chính sách pháp luật khác, đặc biệt là Luật Hình sự”.
Vẫn biết, việc đào tạo và kiểm soát chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu của gần 1.800 trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn TP.HCM không hề đơn giản.
Thế nhưng, người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non mong rằng thành phố, ngành Giáo dục – Đào tạo và chính quyền các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt để bảo vệ trẻ thật tốt trong môi trường giáo dục.
Quan trọng nhất là làm sao sàng lọc được những giáo viên, bảo mẫu không thực sự yêu nghề, mến trẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra./.