Hoàn tất việc sơ tán lao động Việt Nam tại Libya vào đầu tháng 9
Tính đến hết ngày 22/8, vẫn còn hơn 340 lao động Việt Nam tập trung chủ yếu tại thành phố Misrata và thị trấn ốc đảo miền Tây Ghadamis (Libya).
Ngày 22/8, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định toàn bộ lao động Việt Nam còn lại tại Libya sẽ được rút về nước vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 tới.
Phó Cục trưởng Dolab Phạm Viết Hương, trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có mặt tại khu vực biên giới giữa Tunisia và Libya từ hôm 9/8, cho biết tính đến hết ngày 22/8, vẫn còn hơn 340 lao động Việt Nam tại quốc gia Bắc Phi này, tập trung chủ yếu tại thành phố Misrata và thị trấn ốc đảo miền Tây Ghadamis.
Trong số các lao động nói trên, 18 người làm việc tại thành phố Sabha ở phía Tây Nam và thị trấn Zawia ở Tây Bắc Libya cho nhà thầu TAGECO của Hy Lạp và Công ty Golden đã có vé máy bay về nước vào các ngày 26 và 28/8 tới.
Hai nhóm lao động gồm 130 người và 46 người làm việc tại Misrata đã được chủ sử dụng lao động là Công ty Xây dựng Tổng hợp Misrata và nhà thầu SAMA mua vé máy bay để về nước vào đầu tháng 9.
Trong khi đó, đại diện của Công ty Vitech hiện đang có mặt tại Libya để sắp xếp cho 80 lao động của mình tại Ghadamis về nước trong tháng 9.
Ngoài ra, một nhóm 59 lao động làm việc tại Misrata cho Công ty Cukurova đã được hai công ty phái cử gồm Vinaconex và Việt Thắng mua vé về nước vào ngày 24/8 này song có thể phải lùi ngày xuất cảnh chờ kết quả đàm phán với chủ sử dụng lao động.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/8, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết 94 trong tổng số 103 lao động làm việc tại Sabha theo hợp đồng giữa Công ty Sona và nhà thầu TAGECO của Hy Lạp đã được sơ tán an toàn bằng đường bộ sang Tunisia. Trong đó, nhóm đầu tiên gồm 63 người đã về đến Hà Nội trên các chuyến bay thương mại xuất phát từ Tunis (Tunisia) vào chiều ngày 22/8.
Nhóm thứ hai gồm 31 người đã lên máy bay và dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào chiều ngày 23/8.
Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội do ông Phạm Viết Hương dẫn đầu cùng đại diện các công ty phái cử sẽ tiếp tục túc trực tại khu vực cửa khẩu giữa Libya và Tunisia nhằm tiếp tế thực phẩm, thuốc men, đồng thời hỗ trợ các lao động còn lại hoàn tất thủ tục nhập cảnh và quá cảnh về nước.
Trong khi đó, một đoàn công tác khác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn đang trực tiếp có mặt tại Tripoli để phối hợp sơ tán lao động./.