Học Bác để nhân lên những tấm gương bình dị mà cao quý

VOV.VN -Những người thực hiện tốt cuộc vận động là lặng lẽ, âm thầm vận dụng những lời Bác dạy vào trong cuộc sống.

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, đặc biệt là triển khai cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều tấm gương về người thật, việc thật trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được biết đến, qua câu chuyện được chính nhân vật kể lại, hoặc qua tác phẩm của những người cầm bút.

Mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi công việc khác nhau, nên đều có những cách riêng trong việc học tập, làm theo lời Bác. Đối với đảng viên, cán bộ lãnh đạo, những lời dạy của Bác về cần – kiệm – liêm – chính luôn là những bài học nằm lòng.

Nhà báo Cao Năm

Nhân vật trong tác phẩm “Chủ tịch xã không có đơn kiện” của nhà báo Cao Năm, nguyên Trưởng ban báo Hải Phòng cuối tuần là một trong những cán bộ xã như thế, luôn tích cực học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để áp dụng vào công việc, được dân tin yêu. Đó là ông Trần Bá Bính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, với những đóng góp tích cực trong công tác thu hồi đất làm dự án.

Để làm được điều đó, ông Trần Bá Bính luôn ghi nhớ lời Bác dạy, người cán bộ phải là “công bộc của dân”, phải luôn cần – kiệm – liêm – chính. Qua câu chuyện kể về người cán bộ xã Dương Quan, nhà báo Cao Năm muốn chuyển một thông điệp giản dị - đó là: Có thể học ở Bác nhiều thứ, nhưng mỗi người nên chọn một đức tính phù hợp với công việc của mình để học tập và noi theo. Có như vậy thì việc học tập mới thực chất, những lời dạy của Bác mới phát huy được hiệu quả.

Đối với cán bộ đảng viên, lời dạy của Bác về người cán bộ phải là công bộc của dân luôn đồng hành trong mọi hành động, công việc thì những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang lại luôn khắc ghi lời Bác dặn trong những lần sinh hoạt chính trị.

Nhớ lại lời Bác: “Nhân dân ta phải đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và phải luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ, để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ…”, những chiến sĩ thuộc đội K72 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã vượt qua mọi khó khăn để tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia. Thượng tá Lê Huy Chung, nguyên Chính trị viên đội K72 vẫn nhớ như in những ngày tháng rong ruổi cùng gia đình, nhân thân các liệt sĩ đi hàng trăm cây số để tìm hài cốt cha, anh.

Thượng tá Lê Huy Chung

Anh tâm sự, những lần "đi tìm đồng đội" có biết bao gian nan, nhiều khi tưởng phải dừng bước, nhưng rồi chính anh em trong đội lại động viên nhau, khắc ghi và ôn lại lời Bác Hồ dặn “đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Và đó là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các anh tiếp tục cuộc hành trình.

Thượng tá Lê Huy Chung nói: “Trong cuộc đời bôn ba hoạt động của Bác tìm đường cứu nước, Bác cũng gặp nhiều chông gai. Học ở Bác là học ở tính kiên trì, công việc dù lớn, dù nhỏ cũng phải hoàn thành thật tốt công việc của mình. Chúng tôi học Bác rất nhiều, học không biết thế nào cho hết, học từ việc rất nhỏ. Chính vì thế, đó là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, cũng là việc làm tri ân với đất nước, với dân tộc”.

Nét chung dễ nhận thấy ở những người thực hiện tốt cuộc vận động học tập, làm theo lời Bác là lặng lẽ, âm thầm vận dụng những lời Bác dạy vào trong cuộc sống và công việc hàng ngày, không vì thành tích, mà như là một nhu cầu tự thân. Câu chuyện về tấm lòng và những việc làm thiện nguyện của bà Phan Phúc, ở Hà Nội là một trong những trường hợp điển hình như thế.

Nhà báo Dương Văn Hải

Qua ngòi bút của tác giả Dương Văn Hải, phóng viên báo Doanh nhân Sài Gòn, hình ảnh bà giáo già đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn miệt mài đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật để dạy dỗ các em được khắc họa rõ nét. Bà không bao giờ kể về việc làm của mình, mà chỉ mong muốn được thầm lặng đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cuộc sống và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Tác giả Dương Văn Hải chia sẻ ấn tượng của mình với nhân vật, đó là điều đáng quý mà anh nhận thấy ở bà Phan Phúc là sự khiêm nhường, giản dị, nói ít làm nhiều.

Anh kể: “Sau nhiều lần trực tiếp gặp cô Phúc, điều đặc biệt mà tôi thấy là những việc cô đóng góp cho xã hội nhưng không muốn tuyên truyền cho ai biết. Đó là một người khiêm tốn, giản dị. Cô chia sẻ rằng, những việc làm đó là cô học tập và làm theo tấm gương giản dị của Bác Hồ. Những hành động của cô sẽ tự thể hiện ra trong cuộc sống của mình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên