Hội nghị Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo
VOV.VN -Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ trì tổ chức hội nghị, nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+ giai đoạn 2014 -2017.
Sáng nay (18/6), tại Hà Nội, hội nghị lần thứ nhất của Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã chính thức khai mạc. Dự hội nghị có các cán bộ chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực Hành động mìn nhân đạo của 18 quốc gia thành viên ADMM+ và đại diện Ban Thư ký ASEAN.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ trì tổ chức hội nghị, nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo giai đoạn 2014 -2017.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn đang tiếp tục tác động tới môi trường an ninh, dân sinh và điều kiện phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực như: tác động tiêu cực đến môi trường canh tác, khai thác tài nguyên, các nguồn lợi từ nông, lâm, ngư nghiệp cản trở môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, du lịch…
Các quốc gia bị ảnh hưởng phải mất nhiều năm để giải quyết. Bản thân các nước bị ảnh hưởng không đủ nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm để khắc phục. Ở Đông Nam Á, Việt Nam, Lào, Campuchia, một phần Thái Lan, Myanmar và Philippines bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ. Đây là vấn đề cần có sự chung tay, góp sức của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Quân đội nhân dân Việt Nam là nòng cốt trong các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, làm sạch đất đai và môi trường, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Chính phủ cũng như Bộ Quốc phòng Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực hành động mìn nhân đạo với các nước trong và ngoài khu vực, cả trên diện song phương và đa phương.
Theo kế hoạch hành động của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo giai đoạn 2014-2017, Nhóm sẽ thiết lập kênh phối hợp và cơ chế hợp tác như chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và các khía cạnh pháp lý liên quan trong hoạt động mìn nhân đạo; tổ chức các cuộc trình diễn kỹ thuật về khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới...
Hội nghị cuối cùng của Nhóm chuyên gia sẽ được tổ chức vào cuối 2016 hoặc đầu 2017 để đánh giá tổng kết hoạt động, rút ra bài học, đề xuất chương trình, dự án hợp tác cụ thể cho những năm tiếp theo./.