Khắc phục hậu quả bom mìn: Niềm tin từ những thông điệp
VOV.VN -“Tất cả chúng ta đều mong đến ngày người dân Việt Nam không còn bị đe dọa bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh”.
Thấu hiểu và sẻ chia khi hầu hết các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S đang bị ô nhiễm bom mìn, hàng ngày gây thương vong cho nhiều người, trong đó có trẻ em, các thông điệp mà cộng đồng quốc tế nêu ra đều cho thấy một sự cam kết hành động, nhằm góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho người dân Việt Nam.
“Cùng nhau chúng ta sẽ làm nên thành tựu”
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã thành lập Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Samuel Perez, những sáng kiến này rõ ràng đã nâng tầm hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn lên cấp độ quốc gia và định hướng cho các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Samuel Perez: "Cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam mạnh mẽ theo thời gian" |
Việt Nam có cam kết rõ ràng đối với việc giải quyết hậu quả bom mìn. Trong hàng thập kỷ, Việt Nam đã đầu tư những nguồn lực của chính mình cho các hoạt động rà phá bom mìn. Nhiều tỉnh trong số những địa phương bị ô nhiễm nhiều nhất đã thực hiện những chương trình hành động bom mìn cùng với các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Việt Nam thậm chí đã đưa nội dung giáo dục về nguy cơ bom mìn và hỗ trợ nạn nhân vào kế hoạch quốc gia của mình. Điều này, theo ông Samuel Perez, sẽ giúp giảm bớt các tai nạn trong tương lai và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nạn nhân sống sót và gia đình của họ.
“Việt Nam thực sự làm chủ chương trình hành động bom mìn của mình. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ có thể đóng vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ Việt Nam”, ông Perez nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, đối với Hoa Kỳ, giúp Việt Nam giải quyết các thách thức về bom mìn chưa nổ là một ưu tiên, với những khoản hỗ trợ hàng chục triệu USD. Và cam kết của Hoa Kỳ đối với những mục tiêu này ngày càng mạnh mẽ theo thời gian. Nội dung này cũng được nêu bật trong các cuộc gặp cấp cao của Lãnh đạo hai nước.
“Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều mong đến ngày người dân Việt Nam không còn bị đe dọa bởi bom mìn chưa nổ. Chúng ta còn khối lượng công việc đáng kể ở phía trước, nhưng cùng nhau chúng ta đang đạt được những thành tựu quan trọng để có được một môi trường an toàn hơn cho nhân dân Việt Nam”, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ tin tưởng.
“Ngọn đuốc của tình đoàn kết sẽ tỏa sáng rực rỡ”
Đại sứ Na Uy Ståle Torstein Risa cho rằng, việc xử lý các vấn đề về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh rõ ràng là trách nhiệm quốc gia, như Việt Nam đã nhìn nhận, thì quốc tế cũng nhìn nhận các quốc gia khác cũng có những trách nhiệm nhất định nhằm hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Ông Ståle Torstein Risa cũng tin tưởng rằng các bước đi rất tích cực mà Việt Nam hiện đang tập trung thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề gây ra bởi bom mìn và vật nổ sẽ có những tác động lớn hơn khi tham gia các hiệp ước như Hiệp ước bom đạn chùm năm 2008 hay Hiệp ước cấm mìn sát thương năm 1997.
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn nhất trên thế, ông Ståle Torstein Risa cho rằng Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trong việc chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, nhất là đối với các quốc gia bị ảnh hưởng khác.
“Tôi rất hy vọng rằng Việt Nam luôn đóng vai trò là người cầm đuốc của khu vực trong việc tham gia Hiệp ước về bom chùm trong tương lai gần. Ngọn đuốc của tình đoàn kết sẽ tỏa sáng rực rỡ, và phát đi thông điệp nhân đạo rất mạnh mẽ tới tất cả chúng ta”, Đại sứ Na Uy nhấn mạnh.
“Việt Nam có rất nhiều điều có thề chia sẻ”
Nhấn mạnh về mối liên kết chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Geneva về rà phá bom mìn nhân đạo (GICHD), ông Stefano Toscano, Đại sứ, Giám đốc Trung tâm cho rằng, điều đó phát triển dựa trên mối quan hệ đối tác tích cực và hiệu quả từ những yêu cầu thách thức về chiến lược và tác nghiệp nảy sinh từ thực trạng ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình 504 nhằm giải quyết những vấn đề đó.
Ông Stefano Toscano: "Việt Nam có rất nhiều điều có thể chia sẻ với cộng đồng khắc phục bom mìn" |
“Chúng tôi chắc chắn ràng tất cả các bạn bè đều biết Việt Nam là một trong những nước chịu ô nhiễm bom mìn, vật nổ trải rộng và nặng nề trên thế giới. GICHD sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong tương lai”, ông Stefano Toscan chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm GICHD cho biết rất muốn thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam và cộng đồng khắc phục bom mìn quốc tế và đặc biệt quan tâm đến điều này, bởi Việt Nam có rất nhiều điều có thể chia sẻ với cộng đồng khắc phục bom mìn, cả trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Stefano Toscan nhấn mạnh: “GICHD rất chào đón sự ra mắt của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và thông báo về Nhóm quan hệ đối tác khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG). Điều này sẽ tạo cơ hội tìm hiểu thêm về những bước tiến và kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nội dung chính của Chương trình 504 và làm thế nào để các đối tác phát triển có thể hỗ trợ tốt nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ đưa Chương trình 504 đi vào hoạt động đầy đủ”./.
Số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn. Toàn quốc có 9.284/10.511 xã đang bị ô nhiễm bom, mìn.
Hằng năm, Chính phủ Việt Nam chi khoảng 1.600 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Tuy nhiên, với tiến độ rà phá bom mìn như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom mìn sót lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì thời gian đó dự kiến được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa./.