Hội thảo khoa học về Bảo vệ môi trường TP Hà Nội
VOV.VN - Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, làm thế nào mỗi Giám đốc doanh nghiệp phải là doanh nhân biết tôn trọng và bảo vệ môi trường.
"Trên các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội nên phân công từng tổ chức thành viên theo dõi riêng mỗi lĩnh vực và có kế hoạch giải quyết cụ thể hàng năm" - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức sáng 24/11, với chủ đề “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025”.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.
|
Hà Nội có 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 48 cụm công nghiệp và trên 16.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp; trong đó hiện còn 1 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải; có 2.580 bệnh viện, phòng khám; gần 58.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng; trên 5.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố... đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã và đang xây dựng các giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, trong đó có việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, rác thải, bảo vệ nguồn nước sạch và vấn đề phát triển nền kinh tế xanh gắn với năng lượng xanh.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống “xanh – sạch – đẹp” vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Do vậy, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đang thí điểm tại nông thôn lắp pin năng lượng mặt trời để có thể sử dụng năng lượng tái tạo. Hà Nội đang chọn các nhà thầu quốc tế đưa các công nghệ hiện đại nhất trong vấn đề đốt và xử lý rác, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay Hà Nội có 175.000 doanh nghiệp, với tốc độ tăng trưởng là 2000 doanh nghiệp một năm thì bộ máy các cơ quan chức năng không thể đủ để kiểm tra, giám sát lĩnh vực môi trường của các doanh nghiệp. Do đó, phải có sự chung tay vào cuộc của nhân dân, thông qua các tổ chức đoàn thể phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường.
“Chỉ có nhân dân, thông qua đoàn thể mới giúp giám sát và nhận dạng được những đơn vị tiềm năng có dấu hiệu vi phạm và báo cho các đơn vị quản lý nhà nước để thanh tra và có chế tài xử lý. Nói môi trường phải nói sự tự giác của mỗi người, làm thế nào mỗi Giám đốc doanh nghiệp phải là doanh nhân biết tôn trọng và bảo vệ môi trường. Mỗi gia đình được công nhận gia đình văn hoá cũng phải là gia đình bảo vệ môi trường tại địa phương của mình, góp phần cho xã hội”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị, tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã ký kết quy ước phối hợp nhằm thể hiện quyết tâm chung tay hiện thực hoá các cam kết về bảo vệ môi trường thành hành động cụ thể./.