Hợp tác y tế quốc tế - nâng tầm vị thế y tế Việt Nam: Hợp tác để chuyển mình vươn xa
VOV.VN - Tại TP.HCM, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế đang ngày càng được tăng cường sâu rộng và mạnh mẽ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều y, bác sĩ đã làm rạng danh hai tiếng Việt Nam bằng tài năng và y đức. Sự phát triển của nền y học nước nhà nói chung, TP.HCM nói riêng không thể thiếu sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của bạn bè các nước.
>> Khi bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học việc
LTS: Tại TP.HCM, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế đang ngày càng được tăng cường sâu rộng và mạnh mẽ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều y, bác sĩ đã làm rạng danh hai tiếng Việt Nam bằng tài năng và y đức. Sự phát triển của nền y học nước nhà nói chung, TP.HCM nói riêng không thể thiếu sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của bạn bè các nước.
Phóng viên VOV TP.HCM đề cập nội dung này trong bài viết thứ 2 của loạt bài “Hợp tác y tế quốc tế - nâng tầm y tế Việt Nam” với nhan đề “Hợp tác để chuyển mình vươn xa”.
Ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những chuyên ngành mà Việt Nam đang có chỗ đứng trên bản đồ y khoa thế giới. 25 năm qua, từ khi 3 em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM vào năm 1998, đến nay, Việt Nam được biết đến là nơi tiến hành các ca thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất Đông Nam Á với hiệu quả cao. Trong đó, TP.HCM có nhiều bệnh viện phụ sản nổi tiếng là Từ Dũ, Tâm Anh, Mỹ Đức, Hùng Vương.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - một thành viên nhóm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam cho biết, vài năm gần đây, lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn đang có những thành tựu nổi bật.
Tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF tại Việt Nam từ 40 - 45%, chi phí chỉ bằng 1/3 so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí thấp, bác sĩ có trình độ tay nghề cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người nước ngoài và Việt kiều tìm về Việt Nam để khám và điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho hay, đến nay đã có hơn 16.300 em bé chào đời ở đây theo phương pháp IVF. Bệnh viện Từ Dũ được nhiều bác sĩ nước ngoài, từ Pháp, Australia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia… sang tham quan, tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới, như kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng, lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh, chọc hút tinh trùng từ mào tinh…
Bác sĩ Trần Ngọc Hải nói: “Hiện nay, 33 kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chuyên sâu mà các nước trên thế giới đã làm được thì ở Việt Nam, Từ Dũ là đơn vị đầu tiên đã triển khai, ví dụ như tiêm tinh trùng vào buồng trứng, nuôi trứng non, quát màng, và đặc biệt là chúng ta đã làm được việc chẩn đoán từ trong phôi, tức là từ trong tế bào mang ra xét nghiệm về gen, tế bào, nhiễm sắc thể”.
Ở lĩnh vực ghép tạng, Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, hiện là cố vấn chuyên môn về ghép tạng của bệnh viện cho biết, ghép gan là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, tiếp đến là ghép thận, ghép tim và hiện nay trình độ của các bác sĩ Việt Nam không thua bất cứ một nước nào trên thế giới.
Năm 1998, sau thành công của ca mổ Việt – Đức, được Sách Kỷ lục Guinness ghi danh, Giáo sư Đông A được mời sang Viện Trường Saint-Luc (Bỉ), hình thành chương trình đào tạo liên đại học điểm và hỗ trợ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cử các bác sĩ sang Bỉ đào tạo về lĩnh vực bệnh lý tiêu hóa, gan mật và ghép gan.
Hiện, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là đơn vị ghép tạng nhi khoa duy nhất ở phía Nam, từng thực hiện thành công các ca ghép thận, gan, tế bào cho nhiều bệnh nhi. Đây cũng là đơn vị được UBND TP.HCM định hướng trở thành trung tâm ghép tạng của khu vực Đông Nam Á.
Giáo sư Đông A tin tưởng thế hệ học trò đủ tài năng để thực hiện những ca phẫu thuật đặc biệt khó, vươn lên làm chủ y thuật hiện đại: “Tôi đã đi khắp các nước, có nhiều kỹ thuật mình cũng ngang tầm với những nước tiến bộ nhất, nhưng lại chưa đồng đều. Điều ước mơ của tôi làm thế nào để tầm mức y tế của mình đồng đều, để bệnh nhân Việt Nam nói chung và đặc biệt là trẻ em nói riêng ở đâu cũng được điều trị hữu hiệu như nhau”.
Hợp tác y tế quốc tế để vươn xa
Tại TP.HCM, một trong những điểm sáng trong hợp tác y tế quốc tế được thể hiện rõ nét trong các hoạt động với đối tác đến từ nước Pháp. Trong 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, Cơ quan hợp tác của Pháp đã hỗ trợ đào tạo các chương trình sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học y tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hải Phòng, cho phép cấp bằng liên đại học (DIU) trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học y hai nước.
Trung tâm Y tế Pháp tại TP.HCM được thành lập từ năm 2018, ngoài việc điều trị bệnh, đội ngũ y bác sỹ Pháp và Việt Nam còn hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng y bác sỹ giỏi nghề, có trình độ chuyên môn sâu, phục vụ cho y tế cộng đồng.
Bà Emmanuelle Pavillon, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM cho biết: "Y tế là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hiện có hơn 3.000 y bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo tại các bệnh viện của Pháp và đang nắm giữ nhiều trọng trách trong các trường đại học và bệnh viện của Việt Nam. Ngày càng có nhiều bạn trẻ người Pháp theo học tại Việt Nam và gần 6.000 sinh viên sẽ vào đại học hoặc theo học Thạc sĩ tại Pháp. Chúng tôi hy vọng mỗi năm có thể tiếp đón thêm nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn nữa".
Hoa Kỳ cũng là một trong các quốc gia có nhiều dự án hợp tác quan trọng với TP.HCM trong lĩnh vực y tế. Riêng hoạt động dự phòng, ứng phó với HIV/AIDS, 25 năm qua, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã phối hợp hỗ trợ, giúp cứu sống rất nhiều người bệnh ở Việt Nam qua việc thực hiện các dịch vụ dự phòng, điều trị thân thiện dành cho những người đang sống chung với HIV.
Trong chuyến thăm và làm việc gần đây tại một số bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết, tầm quan trọng của công tác y tế toàn cầu của CDC đã thể hiện đầy đủ hơn trong dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, cũng như các hoạt động nhằm tăng năng lực cho Việt Nam trong việc chuẩn bị đáp ứng với các đại dịch khác nếu có: "Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục phối hợp làm việc cùng nhau để bảo vệ sức khỏe của mọi người, để dù có xảy ra tình trạng nào cũng có thể sẵn sàng ứng phó. Có nhiều công việc cần làm để chuẩn bị cho những nguy cơ mới, đe dọa mới, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một trong những chương trình đó là đào tạo dịch tễ học để cung cấp nhân lực cho thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực y tế công cộng… Tôi khẳng định là công tác đào tạo sẽ được cung cấp cho tất cả các cơ sở bởi vì luôn có nhu cầu, do các tuyến y tế cơ sở là nơi tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng dân cư".
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, dù trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhưng ngành y tế vẫn chưa phát triển mạnh mẽ do chưa được đầu tư đúng mức cũng như thiếu các cơ chế phù hợp. Do vậy y tế Việt Nam chưa đủ sức “bật”, chưa thu hút được số lượng bệnh nhân nước ngoài nhiều như kỳ vọng.
TP.HCM đang hướng tới trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị. Để thực hiện mục tiêu này, có 6 nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo TP.HCM đề ra, như tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu; đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng; có chính sách khuyến khích đầu tư các bệnh viện và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài... Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có nền y học phát triển rất quan trọng và cần thiết để ngành y tế ngày càng tăng năng lực khám chữa bệnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, mà cả những người nước ngoài cũng luôn tin tưởng vào trình độ, tay nghề của các y bác sĩ Việt Nam.