Hút khách cho đường sắt Cầu Giấy - Nhổn: Cần chuẩn bị tốt hạ tầng kết nối
VOV.VN - Từ ngày 11/3 đến ngày 26/4, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn- ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào đầu tháng 7.
Việc chuẩn bị các hạ tầng liên quan xung quanh các ga đường sắt đô thị, tăng sự thuận tiện cho hành khách sẽ góp phần thu hút người dân sử dụng loại hình phương tiện này.
Vậy Hà Nội cần chuẩn bị gì để đảm bảo kết nối đa phương thức với tuyến đường sắt đô thị mới này?
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km.
Theo Thạc sĩ Đinh Đăng Hải, cán bộ cao cấp của Tổ chức Healthbridge của Canada, để quá trình đưa vào vận hành thu hút được nhiều người dân sử dụng tàu để đi lại, tại các nhà ga của đoạn tuyến này phải đảm đảm bảo kết nối đa phương thức.
Mặc dù trong các bản thiết kế tuyến vận tải đã đề cập nội dung này, nhưng trước khi đưa vào vận hành chính thức cần tiến hành kiểm tra, kiểm toán về an toàn tiếp cận các nhà ga đường sắt:
"Tôi nghĩ rằng, đối với những tuyến metro hiện tại công tác về kiểm toán về an toàn tiếp cận rất quan trọng để chúng ta biết được, vấn đề về an toàn về tiếp cận hiện tại đang còn vấn đề gì, để chúng ta nâng cấp.
Chúng ta cần phải xem xét phạm vi hoạt động của các ga tàu điện ngầm, phạm vi phục vụ đến các khu vực nào và từ đó chúng ta kiểm đếm, kiểm toán các vấn đề an toàn về tiếp cận cho đi bộ và xe đạp, các vỉa hè có đủ không, có đủ độ rộng không, có đủ thông thoáng, các nút giao có đèn cho người đi bộ, người đi xe đạp không và có được cung cấp tất cả các lối đi bộ qua đường an toàn cho mọi người không".
Từ thực tế về nhu cầu gửi xe tại nhà ga Cát Linh thuộc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vượt xa so với dự kiến ban đầu, Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội cần chú trọng dành không gian để bố trí các điểm gửi xe 2 bánh ở gần các ga chính dọc tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Đặc biệt là tại những nhà ga có nhiều tuyến đường ngang, điều này sẽ rút ngắn được hành trình, thời gian đi lại của chuyến đi nói chung nhằm thu hút người dân tiếp cận với tuyến đường sắt này.
Đối với khu vực nhà ga Cầu Giấy, điểm trung chuyển giữa đoạn trên cao và đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt số 3, ông Tuấn lưu ý, cần sớm khôi phục điểm trung chuyển xe buýt để đảm bảo kết nối đa phương thức: "Hiện nay, họ đang dùng đoạn vỉa hè phía trên đường Đê La Thành Thành, đường cốt cao hơn giáp công viên Thủ Lệ để bố trí điểm đỗ xe. Còn trước đây, ở điểm Cầu Giấy này có một loạt các vị trí đỗ và các điểm trung chuyển của xe bus. Khi thi công, người ta phải dỡ các điểm trung chuyển đi, nhưng bây giờ hoàn thiện xong rồi thì cần bố trí lại cái điểm trung chuyển xe bus đó để cho xe bus hoạt động kết nối, kết hợp với việc bố trí đỗ xe trung chuyển cho xe cá nhân. Vỉa hè dọc bên dưới nhà ga metro rất rộng có thể bố trí được không gian đỗ xe rất tốt".
Về vấn đề kết nối với mạng lưới xe buýt, đầu năm 2023, trả lời báo chí, đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, sẽ có khoảng 42 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, trong đó có 31 tuyến buýt hiện có với công suất khoảng 118.000 lượt hành khách trên ngày và dự kiến sẽ mở thêm 9 tuyến mới, điều chỉnh 3 tuyến buýt.
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đơn vị này hiện đang thực hiện tái cấu trúc mạng lưới xe buýt: "Công tác chuẩn bị, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị vận hành và các đơn vị khác đang sắp xếp lại hệ thống các điểm dừng và kết hợp với việc tái cấu trúc mạng lưới, chúng tôi cũng đang nghiên cứu sắp xếp các tuyến buýt kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến 3.1".
Dẫn kinh nghiệm của Nhật Bản, Chuyên gia giao thông đô thị Mochizuki Shinichi - viện trưởng Viện Thiết kế đô thị UDI khuyến nghị, Hà Nội chỉ nên bố trí 1 điểm đỗ xe ô tô tại nhà ga Nhổn để hành khách chuyển đổi sang sử dụng tàu điện ngầm.
Đối với các nhà ga đường sắt đô thị ở 4 quận nội thành không nên bố trí các điểm đỗ xe cá nhân, mà nên khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe đạp công cộng.
"Không nên bố trí các bãi đỗ xe cá nhân tại các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị vì nhu cầu xe cá nhân bao giờ cũng rất lớn, không đủ không gian để bố trí chỗ đỗ xe. Kinh nghiệm một số quốc gia là không bố trí điểm đỗ xe cá nhân, điều đó khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe đạp điện, taxi ở quanh đó".
TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội khảo sát, bố trí 10 điểm gửi xe gần 8 ga trên cao đoạn Nhổn - Cầu Giấy phục vụ khách đi tàu. Bao gồm điểm đỗ xe Cầu Giấy, La Thành, Mai Dịch, khúc Thừa Dụ, Nguyễn Phong Sắc, Trần Quý Kiên...với khoảng cách cách các nhà ga khoảng 500m.
Bà Nguyễn Hương Huế, cán bộ phụ trách giao thông Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho biết, Hà Nội và AFD đã phối hợp thực hiện chương trình “Hà Nội, giao thông bền vững” tập trung vào 4 dự án thành phần nhằm thúc đẩy giao thông đa phương thức.
Dự kiến thời gian tới, AFD sẽ xây dựng dự án hỗ trợ thành phố đầu tư, tăng cường kết nối đa phương thức cho các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sắp đưa vào vận hành đoạn trên cao thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thành phố cần biết tận dụng triệt để những lợi thế này và đưa ra những giải pháp quyết liệt mới có thể xây dựng hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức cho tuyến này.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông năm 2023 vận hành trên 91.000 lượt, vận chuyển 10,7 triệu lượt khách, tăng 31,4 % so với cùng kỳ 2022. Tính chung trên 2 năm đi vào vận hành, tuyến đường sắt số 2A vận chuyển khoảng 20 triệu lượt hành khách. Trong các chuyến tàu vào giờ cao điểm luôn chật kín hành khách, nhiều người dân đã chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn, văn minh, hiện đại này.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào tháng 7 năm nay, dù là bị chậm so với kế hoạch, song có nhiều điểm thuận lợi hơn so với tuyến đường sắt số 2A, như nhận được thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người dân; được vận hành, quản lý bởi đơn vị đã có 2 năm kinh nghiệm…
Tuy nhiên, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức và kỳ vọng cao hơn của hành khách và người dân thủ đô. Bởi chỉ còn khoảng vài tháng trước khi chính thức vận hành, thông tin về các điểm đỗ xe, thông tin về điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt và xe buýt kết nối vẫn chưa được chính thức công bố.
Mặc dù trước đó tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã tiến hành khảo sát điểm đỗ xe từ trước khi tuyến đường sắt số 2A đưa vào vận hành.
Chính vì được đưa vào vận hành sau, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được đòi hỏi các khâu chuẩn bị về hạ tầng kết nối, điểm đỗ xe, kết nối với mạng lưới xe buýt… tốt hơn, hoàn hảo hơn, tránh được những bất cập hiện nay của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như một số nhà ga, điểm đỗ xe cá nhân còn khá xa, điểm đỗ xe tại ga Cát Linh sau 2 năm đi vào hoạt động hiện đang quá tải.
Do vậy, ngành giao thông của thành phố cần rút kinh nghiệm, quy hoạch và bố trí không gian các điểm đỗ xe có tính tới trung hạn và dài hạn, khi các tuyến đường sắt đô thị kết nối với nhau và kết nối với các phương thức vận tải khác.
Tại các nhà ga ở khu vực quận, huyện ngoại thành nên bố trí quỹ đất dành cho các bãi đỗ xe máy, xe đạp để người dân chuyển đổi phương tiện. Trong khi ở các khu vực trung tâm, các quận nội thành không nên bố trí quá nhiều không gian cho chỗ gửi xe cá nhân mà nên khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy mới có thể thực hiện mục tiêu của thành phố là hạn chế phương tiện cá nhân vào năm 2030.
Thành phố cũng cần dành quỹ đất, bố trí không gian cho các điểm đón trả khách cho xe taxi, grap, tránh tình trạng chèo kéo hành khách gây mất mỹ quan.
Cùng với đó, Sở GTVT sớm triển khai thực hiện điều chỉnh một số tuyến xe buýt nằm dọc và cắt ngang tuyến xương sống, đảm bảo có sự kết nối đa phương thức tuyến metro số 3 với 12 nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, ngành giao thông bố trí và cải thiện chất lượng các điểm dừng chờ xe bus sao cho tiệm cận gần nhất các nhà ga tàu điện ngầm.
Đoạn tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy đi qua địa phận của một số quận, huyện như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoài Đức, Đan Phượng… nơi có mật độ dân cư không quá cao như khu vực trung tâm, nên thành phố cần sớm bố trí các tuyến bus gom hành khách ở dọc tuyến metro.
Đặc biệt, mạng lưới các phương tiện giao thông công cộng nói chung và đường sắt đô thị nói riêng sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả, nếu các tuyến đường sắt có sự kết nối với nhau. Do vậy, thành phố cũng cần sớm có những giải pháp để nhanh chóng bàn giao mặt bằng để các nhà thầu sớm đẩy nhanh và hoàn thiện đoạn ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Trong đó, chú trọng đến việc đảm bảo khả năng kết nối giữa nhà ga Cát Linh với nhà ga của tuyến Nhổn - ga Hà Nội và những tuyến đường sắt khác.
Việc vận hành các tuyến đường sắt đô thị hoặc các đoạn tuyến cần thực hiện trong tâm thế hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong tương lai, do vậy, các tuyến đường sắt đô thị phải đảm bảo sự kết nối tại chính các nhà ga ngay từ trên bản vẽ cho đến thực tế.